Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Trải nghiệm Lâm Bình

Nguyễn Tri Thức - 15:15, 20/10/2021

So với tròn một thập kỷ về trước, các xã thuộc huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã có sự đổi thay đáng kể. Huyện mới đã có xã Lăng Can trở thành thị trấn từ đầu tháng 7/2021, lại được tiếp nhận 2 xã của huyện Chiêm Hóa, đã có lịch sử 10 năm hình thành và phát triển…, đó là những cơ sở căn bản để tin rằng, Lâm Bình sẽ vươn mình mạnh mẽ trong thời gian tới.

Toàn huyện Lâm Bình có 31 cơ sở homestay đón khách du lịch
Các cơ sở homestay ở Lâm Bình luôn hấp dẫn khách du lịch bởi sự yên bình, gần gũi với thiên nhiên

Huyện Lâm Bình được thành lập ngày 28/1/2011, theo Nghị quyết số 07/NQ-CP của Chính phủ. Nay, huyện đã có 9 xã và 1 thị trấn, diện tích tự nhiên 917,55km2, dân số là 51.421 người. Chỉ nhìn những con số thôi cũng thấy huyện đã lớn mạnh hơn cả về diện tích, số người, số xã, thị trấn.

Nhưng sự chuyển mình của Lâm Bình không chỉ dừng ở đó. Hồi cuối tháng 2/2021, tại Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập huyện, đã có những con số khác chứng minh cho sự dịch chuyển tích cực này. Ví dụ như huyện đã xây dựng được 513 công trình hạ tầng thiết yếu tại trung tâm huyện, các xã và hệ thống giao thông kết nối. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 7%/năm, hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đặc biệt, kinh tế du lịch khởi sắc, đang trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng của huyện, doanh thu từ du lịch đạt trên 64,2 tỷ đồng năm 2020… góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 30,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 71,12% (năm 2011) xuống còn 31,44%...

Khách du lịch check in tại một khu du lịch homestay ở Lâm Bình
Khách du lịch check in tại một khu du lịch homestay ở Lâm Bình

Mờ sớm, thị trấn huyện lỵ bình yên đến nao lòng. Ngay trước mặt nhà khách huyện, cách xa con đường đôi, mấy ngôi nhà thưa vắng là dãy núi ấp ôm mây trắng bềnh bồng. Lâu lắm rồi mới có cảm giác thư thả đến thế. Vắng tiếng còi ô tô, xe máy đã đành. Vắng cả tiếng chim hót, gia súc, gia cầm vốn quen thuộc ở những vùng quê nông thôn hay miền núi. Ừ nhỉ, thị trấn mới mà. Sự khởi sắc mới chỉ rõ nét ở những công trình hạ tầng thiết yếu, ở ngành du lịch với những homestay mọc lên, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hoá & Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, toàn huyện hiện có 31 cơ sở homestay, riêng thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can có 6 hộ làm homestay, trong đó có 1 người ở Hà Nội lên đầu tư. Đó là anh Lương Duy Doanh ở Gia Lâm. Anh Doanh làm homestay lấy luôn tên thôn Nặm Đíp, tiếng địa phương nghĩa là nước sống. Cuối tháng 5/2019, anh khánh thành homestay Nặm Đíp khá quy củ, khang trang và ngày càng xây dựng thêm những hạng mục bài bản, quy mô trong khu đất diện tích gần 6.000m2.

Dẫn chúng tôi đi tham quan, anh vừa than thở: “Vừa làm thêm một số công trình phụ, tưởng vãn dịch, ai ngờ chưa được khai trương”. Nhớ lại những khi đông khách, như đợt nghỉ lễ 30/4 vừa rồi, homestay nhà anh chật khách, chỉ mấy ngày nghỉ lễ mà đón vài trăm khách, khách nằm cả ra sàn. Vui lắm”.

Thế nhưng, những ngày vui như thế không nhiều. Anh Doanh thống kê, “làm được 2 năm thì hơn năm rưỡi dính dịch, nửa năm túc tắc” nên anh đang có ý định bán, dù đã đầu tư trên 3 tỷ đồng rồi. Bán cũng chỉ nhằm thu hồi tiền mua đất, tiền đầu tư các hạng mục thôi, chứ công thiết kế, quy hoạch homestay được cho là quy mô nhất Nặm Đíp, cả công cán vận chuyển cây cối từ Hà Nội lên trồng… thì “khuyến mãi”.

Mùa dịch, những chiếc canô chở khách du lịch đi vãn cảnh cũng nằm im lìm trong bến
Mùa dịch, những chiếc canô chở khách du lịch đi vãn cảnh nằm im lìm trong bến

Ông Chẩu Minh Vĩ (thôn Nặm Đíp) làm homestay từ năm 2017, “căn cứ vào nghị quyết của huyện xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn” và nhà cũng sẵn cơ sở, lại được Nhà nước hỗ trợ. “Khách về liên tục, ngày đông nhất hơn 30 người ở thôi. Nhưng phục vụ khách ăn uống thì có ngày làm tới 21 mâm. Ăn xong, khách đi rải rác các nhà khác”. Khi chưa có dịch, “Mỗi năm nhà đón hơn 400 đoàn khách, gần 6.000 người, giải quyết việc làm, thu nhập mỗi tháng khoảng 4-5 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí. Khách đến cả năm, tập trung vào mùa thu và các dịp lễ hội”.

Từ năm 2019, ông Vĩ giao cho cháu trai và cháu dâu quản lý. Các cháu trẻ, lên mạng quảng bá, hút khách. Nhưng rồi lại dịch dã xuất hiện, mọi việc ngưng đọng. Nhà chỉ túc tắc đón khách trong và ngoài huyện khi được phép mở cửa.

Tôi đến vài cơ sở homestay khác của thôn Nặm Đíp thuộc thị trấn huyện lỵ. Cơ bản cũng chỉ là dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống, hồ bơi. Với các cơ sở homestay khác của huyện cũng tương tự như vậy. “Chủ yếu là đi lòng hồ thôi. Nếu đi hết địa điểm đang khai thác thì cần đến 2 ngày, còn không thì chỉ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái”, ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hoá & Thông tin huyện Lâm Bình nói.

Từ thị trấn Lăng Can, chúng tôi đi theo đường tỉnh cũng còn đôi đoạn khá xấu, nhưng qua đèo Kéo Nàng thì đường bê-tông mới làm phẳng phiu, đẹp như tranh vẽ. Dọc con đường nhỏ xinh uốn lượn giữa bên núi đồi, bên đồng ruộng, làng mạc yên bình, xanh thẫm, cảm giác thật thư thái. Đến Bến Thủy (xã Thượng Lâm) rồi lên thuyền đi tham quan lòng hồ. Anh Dương Văn Nông, lái thuyền Hoàng Tuấn cho biết, ngày trước đông lắm, chủ homestay có 3 thuyền đều đi hết. Khi dịch bệnh thì ít, ngày cuối tuần có khi chỉ được chuyến.

Những homstay tại Lâm Bình đìu hiu khách trong mùa dịch
Các chủ homstay đang mong dịch sớm qua đi để homstay lại nhộn nhịp khách đến

Cả buổi sáng đi lòng hồ, nhưng chúng tôi cũng chỉ đi qua, đặt chân được đến mấy điểm nổi tiếng như Cọc Vài, đảo hình rùa, “bãi cọc Bạch Đằng”, thác Khuổi Nhi… Anh Ma Công Khâm, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Thượng Lâm cho biết, trong truyền thuyết của người Tày, Cọc Vài là cọc buộc trâu của người nhà trời. Giờ nước ngập mất ¾ rồi, phải đến 30m. Trước chỉ là con đường, đồng ruộng xung quanh, kỳ vĩ lắm… Kể từ ngày có lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang, Lâm Bình nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung, có thêm lợi thế cho phát triển du lịch. Huyện, tỉnh đều nhận thấy và chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng tất cả mới chỉ là bước khởi đầu.

Anh Trương Văn Quang, trước là Bí thư Huyện đoàn được phân công về làm Chủ tịch xã Lăng Can, hiện là Phó Chánh văn phòng huyện Lâm Bình nên khá am hiểu về địa phương mình. Anh bảo rằng, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng về du lịch lòng hồ, sinh thái, nghỉ dưỡng, cáp treo. Cũng đã có doanh nghiệp lớn về khảo sát. Nếu có nhà đầu tư mạnh mẽ, những con đường rồi cũng sẽ được làm mới, những điểm đến sẽ được xây dựng thêm, thậm chí sóng điện thoại, wifi sẽ được “phủ” trên lòng hồ thênh thang để du khách thoải mái check-in, chứ không phải chờ đợi như hiện nay, bởi suốt hành trình phần lớn là điện thoại ngoài vùng phủ sóng…

Chắc chắn rằng, sau khi dịch bệnh qua đi, hoạt động kinh tế - xã hội sôi động trở lại, những tiềm năng, thế mạnh về du lịch sẽ được “đánh thức”, để Lâm Bình thực sự có những sự vươn mình đáng kể, đặc biệt khi 2 xã mới nhập vào là Minh Quang và Phúc Sơn cũng có thế mạnh về du lịch, nhất là các loại hình homestay, sinh thái và hang động…

Tin cùng chuyên mục
Làng du lịch lớn nhất Hà Giang chuẩn bị cho phiên chợ trăm tuổi

Làng du lịch lớn nhất Hà Giang chuẩn bị cho phiên chợ trăm tuổi

Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2024 đang cận kề. Cùng với sự chuẩn bị của Ban Tổ chức, những ngày qua, Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cũng đang tập trung chuẩn bị các điều kiện để đón du khách đến tham dự sự kiện quan trọng này.