Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người “truyền lửa” ở Thượng Minh

PV - 17:36, 24/11/2020

Bà Húng Thị Cháng, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) được coi là người “truyền lửa” trong việc giữ gìn trang phục truyền thống của người Pà Thẻn nơi đây. Trong đời sống lao động, sinh hoạt thường ngày bà lại truyền dạy cho con, cho cháu từng đường kim mũi thêu, ý nghĩa của mỗi hoa văn trên bộ trang phục của dân tộc mình.

Bà Húng Thị Cháng, hướng dẫn cách dệt trang phục truyền thống.
Bà Húng Thị Cháng, hướng dẫn cách dệt trang phục truyền thống.

Theo truyền thống của người Pà Thẻn Người phụ nữ giỏi giang trong việc thêu thùa chính là điểm để các chàng trai nhận biết sự khéo léo đảm đang của cô gái mà họ sẽ ướm hỏi làm vợ sau này. Bà Cháng kể rằng, từ khi lên 10 tuổi đã được các bà, các mẹ hướng dẫn cách may thêu khăn, thêu váy, áo… ban đầu mới học còn lúng túng, có khi còn khâu cả vào tay... Kiên trì, mỗi lúc đường kim, mũi chỉ ngày càng khéo hơn, các sản phẩm thổ cẩm của bà làm ra ngày đẹp hơn, mọi người trong thôn ai nấy đều tấm tắc khen ngợi.

Giờ đây ở tuổi 70, hàng ngày bà vẫn kiên trì thực hiện công việc mà trước đây các tiền nhân vẫn làm; đó là trao truyền cho con cháu cách thêu, dệt trang phục truyền thống. Bên khung cửibà và cháu vẫn say sưa dệt vải. Chị Ma Thị Bấm dân tộc Tày (cháu dâu bà Cháng) chia sẻ: Khi mới về làm dâu, chị không biết thêu trang phục của người Pà Thẻn. Nhưng được bà hướng dẫn tỉ mỉ, dần dà chị đã thành thạo hiểu biết được rất nhiều phong tục, tập quán:Từ nghi lễ, tiếng nói, đến cách làm ra một bộ trang phục truyền thống. Giờ đây, chị đã thành thục cách dệt, thêu và làm ra các sản phẩm thổ cẩm phụ vụ cho gia đình, đồng thời còn hướng dẫn được người trong thôn cùng dệt, thêu trang phục truyền thống của người Pà Thẻn.

Một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Pà Thẻn gồm khăn đội đầu, áo, yếm, váy, dây thắt lưng. Trên nền vải đỏ của bộ trang phục là các hoa văn, họa tiết dạng hình học, hình chữ A, hình thoi, hình núi hình sao, hình mắt cua, hình hoa đầu chó. Theo bà Cháng thì hoa đầu chó là hoa chủ đạo và đẹp nhất trên bộ trang phục. Đây là chi tiết khiến người thêu mất nhiều thời gian và công sức nhất. Người thêu cần phải kiên trì, tỉ mỉ thì mới thêu đều và đảm bảo thẩm mỹ.

Cháu Phù Thị Hương (người trong thôn) năm nay lên lớp 5, sau những buổi đi học, cháu thường đến nhà xem bà dệt vải, được bà hướng dẫn rất tỷ mỉ nên cháu cũng có thể giúp bà thêu những họa tiết đơn giản hay làm ra những quả bông, tua rua trang trí cho bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Việc giữ gìn nghề thêu, dệt trang phục truyền thống của bà Húng Thị Cháng đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người Pà Thẻn cho thế hệ mai sau.