Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình: Mô hình mới - hiệu quả mới

PV - 10:51, 06/08/2019

Hiện nay, ngành Y tế đang triển khai thí điểm Mô hình điểm trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình tại 26 trạm y tế (TYT) xã, phường thuộc 8 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nguyên lý y học gia đình là chăm sóc toàn diện liên tục, phối hợp và lấy bệnh nhân làm trung tâm, hướng tới dự phòng cho cộng đồng, gồm 6 nguyên lý cơ bản: Toàn diện, phối hợp, lồng ghép, cộng đồng, dự phòng, gia đình. Bước đầu mô hình đã cho thấy những hiệu quả tích cực.

Việt Hồng là xã vùng III còn nhiều khó khăn của huyện Trấn Yên (Yên Bái), được Bộ Y tế chọn thí điểm xây dựng Mô hình điểm TYT xã vận hành theo nguyên lý y học gia đình. Đây là cơ hội vàng cho y tế cơ sở được nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Năm 2018, TYT Việt Hồng được đầu tư xây dựng khang trang với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng, các trang thiết bị cơ bản được đáp ứng, đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, biển tên phòng, tên trạm y tế, đến bố trí trang bị máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang.... Hiện, trạm có 5 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 2 nữ hộ sinh và 1 kỹ thuật viên xét nghiệm, cùng với 6 nhân viên y tế thôn bản. Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu cho người dân địa phương và người có thẻ BHYT, Trạm còn thực hiện việc tiêm chủng, quản lý bệnh không lây nhiễm, dân số, y tế dự phòng, dinh dưỡng…

y học gia đình Chất lượng khám và điều trị bệnh tại các trạm y tế vận hành theo nguyên lý y học gia đình ngày càng được nâng cao.

Anh Hoàng Anh Tuấn (xã Việt Hồng) chia sẻ, mẹ anh bị đái tháo đường nhiều năm. Trước đây, mỗi lần đi khám phải lên viện tuyến trên vì TYT xã không đáp ứng được đầy đủ thiết bị và thuốc men. Từ khi TYT xã Việt Hồng được đầu tư xây dựng, qua một thời gian đưa mẹ đến khám, anh Tuấn đã rất yên tâm về trang thiết bị, thuốc men cũng như chất lượng KCB. Không chỉ có gia đình anh Tuấn mà hàng nghìn người dân trên địa bàn xã được tiếp cận với dịch vụ y tế hoàn toàn mới ngay tại TYT. Đó là dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình. Với dịch vụ này, mọi thành viên trong gia đình đều được khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe.

Bác sĩ Vương Hải Anh, Trạm trưởng TYT xã Việt Hồng cho biết, từ khi TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, bình quân hằng năm, Trạm thực hiện KCB cho gần 7 nghìn lượt người, tỷ lệ người dân đăng ký KCB ban đầu bằng BHYT ở trạm đạt 100%. Số lượng bệnh nhân đến KCB tăng lên rõ rệt, trung bình mỗi ngày có khoảng 25-30 lượt bệnh nhân, trong khi trước đó chỉ có khoảng 15-20 lượt.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Vương Hải Anh thì, mặc dù TYT có đầy đủ phòng chức năng gồm xét nghiệm, điện tim… Nhưng các máy móc chưa thể sử dụng vì không có người. TYT xã Việt Hồng có 5 cán bộ nhưng mỗi người đều phải kiêm nhiệm, y sĩ đa khoa thì phải học thêm đông y, nữ hộ tá kiêm thêm tá dược…

Không chỉ TYT Việt Hồng, tình trạng thiếu bác sĩ cũng diễn ra tại các TYT xã nằm trong dự án 26 TYT xã điểm mà Bộ Y tế lựa chọn như xã Bình Thành, Đức Huệ, Long An; xã Thạch Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng; xã Ninh Hà và xã Ninh Sơn tại Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Được biết, để tăng cường vai trò của y tế cơ sở, Bộ Y tế đã lựa chọn 26 TYT xã, phường thuộc 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh và Long An để xây dựng mô hình điểm TYT xã vận hành theo nguyên lý y học gia đình.

Qua thời gian triển khai, kết quả cho thấy, vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nhân lực y tế.

Để giải quyết những vấn đề này, ngành Y tế đã có nhiều biện pháp tăng cường nhân lực cho y tế tuyến cơ sở như: Đề án 1816 đưa bác sĩ tuyến trên xuống tuyến dưới, thực hiện luân chuyển cán bộ có thời hạn, triển khai đào tạo bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa… Đồng thời, Bộ Y tế đã huy động các trường đại học y, dược trên toàn quốc tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tuyến cơ sở.

QUÝ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục
Hiểm họa từ rác thải điện tử

Hiểm họa từ rác thải điện tử

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến những tiện ích vượt bậc cho đời sống và sinh hoạt của con người, đồng thời cũng kéo theo hệ lụy về rác thải điện tử. Rác thải điện tử đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người, có nguy cơ cao gây ra những hậu quả khôn lường nếu không có các giải pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý rác thải điện tử.