Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Trăn trở từ ngôi nhà của “những người không biết khổ”

Thiên An -Mỹ Dung - 18:50, 06/05/2022

Đã từ rất lâu, Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên, được nhiều người gọi với cái tên đầy chia sẻ: ngôi nhà của “những người không biết khổ”. Chính tại ngôi nhà ấy, những số phận, những mảnh đời, cùng tìm đến như điểm tựa, để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, trớ trêu của cuộc đời. Điều ít ai nhìn thấy, phía sau những phận người không biết khổ ấy, còn có đội ngũ cán bộ, người lao động cũng đang phải từng ngày “gồng mình” khắc phục vô vàn khó khăn.


Bệnh nhân tham gia hoạt động văn nghệ tại Trung tâm
Bệnh nhân trong giờ xem văn nghệ tại Trung tâm

Vào một buổi cuối chiều tháng 4, phóng viên báo Dân tộc và Phát triển đến thăm Trung tâm Điều dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên. Lúc này cũng là giờ các bệnh nhân được ra sân, ghế đá ngồi chuyện trò, thư giãn cùng nhau. Nhìn những khuôn mặt ngây ngơ, nghe những câu chuyện không nội dung họ nói, rồi hình ảnh cùng nhau khi cười, khi khóc, rồi có lúc lại im ngắt lạ thường…thương cảm hơn cảnh đời của “những người không biết khổ” và thêm chia sẻ cho nhọc nhằn của những người phục vụ nơi đây.

Trao đổi với cán bộ Trung tâm, được biết hiện trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng 233 đối tượng, trong đó có 221 đối tượng theo quyết định, 16 đối tượng tự nguyện. Đặc biệt, có hơn 30 đối tượng cao tuổi, bị sa sút trí tuệ hoặc mắc các bệnh nền mạn tính và không tự phục vụ được bản thân, thường xuyên phải chăm sóc cấp 1, đối tượng được áp dụng điều trị kết hợp phương pháp phục hồi chức năng, như tham gia lao động trị liệu, thể thao, văn nghệ. 

Bà N.T.P, 62 tuổi, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vô tư cười giãi bày: “Ở đây lúc nào cũng vui lắm, ăn uống đầy đủ, rất ngon, lúc ốm có bác sỹ, lúc buồn có rất nhiều bạn được hát, được cười, được chuyện trò”.

Đúng vậy, tại Trung tâm đặc biệt này, mỗi người với một số phận khác nhau, nhưng đều được sống trong tình thương, đùm bọc của cán bộ, nhân viên trung tâm và được sẻ chia những vui buồn với những người có cùng cảnh ngộ. Và chính tại ngôi nhà này, cán bộ, nhân viên vẫn miệt mài cống hiến, lấy tâm mình để đem lại nụ cười phía sau những phận người không biết khổ. 

Theo đó, công tác nuôi dưỡng cho bệnh nhân được Lãnh đạo Trung tâm chỉ đạo tổ chức tốt. Từ khâu lập kế hoạch, đến việc cung ứng lương thực, thực phẩm sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hàng ngày công khai tài chính đầy đủ, chính xác, kịp thời. Luôn luôn đảm bảo phục vụ bệnh nhân được ăn 03 bữa/ngày. Các khẩu phần ăn bệnh lý của bệnh nhân đảm bảo đúng y lệnh của bác sĩ chỉ định. Thường xuyên cải tiến phương pháp chế biến các món ăn, thay đổi khẩu phần ăn đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với lượng nhân sự ít (khoảng 70 người), nên từ giám đốc, cán bộ đến người lao động đều tất bật, mỗi người cùng lúc phải đóng nhiều “vai”: Là người con, người cháu tận tình chăm sóc, cũng có khi là bác sỹ thăm khám, là chuyên viên tư vấn bệnh nhân… Lại gần  một cán bộ đang ngồi trò chuyện cùng bệnh nhân, nghe chị nhẹ nhàng giãi bày: “Ở đây vì cũng khá ít người nên nhiều khi một người kiêm nhiều việc khác nhau. Như tôi, ngoài việc thăm khám cho bệnh nhân, thì những lúc thế này lại ra quản lý, chuyện trò cùng bệnh nhân”.

Ngoài thiếu nhân lực phục vụ, Trung tâm đang phải đối diện với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ bệnh nhân. Phòng ở của đối tượng tại một số khoa chật chội, xuống cấp; khuôn viên, công trình phục vụ chưa được đầu tư vì thiếu kinh phí. Khó khăn chồng chất khó khăn!

Những sản phẩm của lao động trị liệu được sử dụng cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân
Các nhân viên làm trị liệu còn tăng gia trồng rau để cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên chia sẻ: Với chỉ tiêu 240 bệnh nhân, Trung tâm cần ít nhất là 125 cán bộ, nhưng hiện số cán bộ viên chức, người lao động của Trung tâm chỉ có 69 người, trong khi còn phải phải thường xuyên cắt cử người đưa bệnh nhân đi chữa bệnh tại các bệnh viện, nên cán bộ Trung tâm phải làm việc với cường độ cao;  nhất là vào những dịp lễ, tết, thì cán bộ công chức, viên chức, người lao động lại càng phải chu đáo, nhiệt tình và sát sao hơn trong việc chăm sóc, phục vụ người bệnh.

Theo ông Hiếu, hiện nay các khu nhà điều trị bệnh nhân được xây dựng phân tán, bệnh tật của bệnh nhân diễn biến phức tạp, trang thiết bị phục hồi chức năng cho người bệnh và trang thiết bị cho cán bộ làm việc còn thiếu..., nên công việc quản lý bệnh nhân cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, trong công tác quản lý, điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

 Để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, Trung tâm rất mong Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Nguyên xem xét, tạo điều kiện cho Trung tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế, bổ sung kinh phí để nâng cấp trung tâm theo đề án đã được phê duyệt, bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị phục hồi chức năng cho bệnh nhân và trang thiết bị làm việc của cán bộ.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.