Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tráng A Chu làm du lịch

PV - 08:53, 27/04/2019

Với phương châm phát triển du lịch nhưng không làm mất đi cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa của dân tộc, anh Tráng A Chu, dân tộc Mông ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La) không chỉ làm thay đổi cuộc sống gia đình mình, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cả cộng đồng. Anh không chỉ khởi nghiệp thành công mà còn tạo việc làm cho người dân trong bản.

Tráng A Chu (thứ 3, từ phải sang) nhận giải thưởng Du lịch ASEAN 2019 cho những thành phố, điểm đến, khách sạn, doanh nghiệp du lịch xuất sắc của ASEAN. (Ảnh Tư liệu) Tráng A Chu (thứ 3, từ phải sang) nhận giải thưởng Du lịch ASEAN 2019 cho những thành phố, điểm đến, khách sạn, doanh nghiệp du lịch xuất sắc của ASEAN. (Ảnh Tư liệu)

Từng theo học ngành Công nghệ thực phẩm, sau khi ra trường, Tráng A Chu đi làm thuê cho một vài nhà hàng ở địa phương, nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh, không ổn định, phải dựa vào nương rẫy là chính. Với sự nhanh nhạy, nhìn ra được tiềm năng từ hướng phát triển du lịch của Mộc Châu, Vân Hồ, ngay khi huyện Vân Hồ thành lập năm 2013, anh Chu và vợ bắt đầu mở cửa hàng chế biến các món ăn dân tộc phục vụ du khách ngay tại nhà mình.

Trước thực tế có nhiều khách ở xa cất công đến thưởng thức món ăn, muốn ngủ nghỉ lại không có chỗ, cuối năm 2014 anh Chu lại bàn với vợ mạnh dạn vay quỹ tín dụng nông trường Mộc Châu và người thân, bạn bè hơn 400 triệu đồng đầu tư khu nhà nghỉ cộng đồng theo truyền thống của dân tộc Mông và dân tộc Thái cách tân, mái lợp cọ, công trình phụ tiện nghi, chăn đệm sạch sẽ, khuôn viên thơ mộng gần gũi thiên nhiên, có nơi tổ chức cho khách thưởng thức văn hóa dân tộc.

Điều làm nên sức hút với du khách khi đến với homestay của Tráng A Chu chính là nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày của người Mông như: ngôi nhà sàn, trang phục dân tộc, món ăn dân tộc…; là cảnh quan yên bình của những vườn mận, vườn đào xen lẫn trong thung lũng hoa; là sự hồn hậu mến khách của những người dân địa phương… Ngoài những lợi thế về tự nhiên, cơ sở lưu trú của Tráng A Chu còn may mắn khi được Công ty Du lịch dựa vào cộng đồng Hà Nội lên khảo sát, giúp đỡ kết nối với hơn 50 công ty du lịch lữ hành thường xuyên đưa khách du lịch tới nghỉ. Đồng thời tập huấn miễn phí cách bài trí phòng ngủ, nấu các món ăn phục vụ khách ta, khách Tây, cách hướng dẫn, giới thiệu du khách… nâng dần chất lượng phục vụ của homestay.

Homestay phòng riêng, phòng cao cấp của gia đình Tráng A Chu. Homestay phòng riêng, phòng cao cấp của gia đình Tráng A Chu.

Theo thời gian, homestay của Tráng A Chu từng bước hoàn thiện về dịch vụ, chất lượng, trở thành cơ sở lưu trú có tiếng ở Vân Hồ. Bình quân mỗi tháng homestay của Tráng A Chu thu hút khoảng 180- 200 lượt khách tới thăm quan, nghỉ dưỡng, tham gia các hoạt động trải nghiệm cộng đồng. Riêng các ngày nghỉ lễ, khu homestay của anh luôn kín phòng. Năm ngoái, homestay đón gần 1.600 lượt khách.

Với lượng khách đông, gia đình Tráng A Chu đã thuê người làm, giúp nhiều người trong bản có thêm thu nhập hằng tháng. Chị Tráng Thị Dụ, một trong 4 nhân viên phục vụ chính ở homestay Tráng A Chu  cho biết, từ khi có khu nghỉ này, kể cả khi nông nhàn, tôi và các lao động khác vẫn có việc làm, thu nhập đều từ việc nấu nướng phục vụ khách du lịch, kết hợp hướng dẫn, giới thiệu văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc khi khách tới thăm quan.

Với thành công bước đầu của mình, Tráng A Chu đã chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch homestay với 5 hộ gia đình trong bản để làm theo mô hình của mình. Anh chia sẻ: “Mình làm thành công thì cần phải chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cùng bà con. Bà con ở bản phải cùng nhau đoàn kết để nâng cao chất lượng các homestay để thu hút du khách đến đông hơn nữa”.

Vừa qua, tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019, homestay của Tráng A Chu vinh dự nhận được giải thưởng Du lịch ASEAN 2019 cho những thành phố, điểm đến, khách sạn, doanh nghiệp du lịch xuất sắc của ASEAN.

HỒNG MINH