Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng truyền thông cho các tuyên truyền viên ở vùng DTTS Tây Nguyên

Ngọc Thu - 07:23, 31/10/2022

Mới đây, Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), phối hợp với UNICEF Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, thông qua việc bổ sung nhiều kiến thức pháp luật, kỹ năng truyền thông thiết thực, bổ ích cho các tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở và Người có uy tín trong cộng đồng tại hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Qua đó, đã nhận được tín hiệu tích cực trong công tác phổ biến kiến thức pháp luật trong đồng bào DTTS Tây Nguyên từ những "cầu nối" hữu hiệu này.

Cán bộ phụ nữ tham gia tuyên truyền tảo hôn, HNCHT trong đồng bào DTTS tại tỉnh Gia Lai
Cán bộ phụ nữ đến từng thôn bản, hộ dân để tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, HNCHT trong đồng bào DTTS tại tỉnh Gia Lai

Kon Tum và Gia Lai là 2 tỉnh miền núi có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết (HNCHT) cao. Theo đó, năm 2015, tỉnh Gia Lai có 1.132 vụ tảo hôn; tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2016 - 2020 có 1.048 trường hợp tảo hôn và 4 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. 

Hai tỉnh này đã được Ủy ban Dân tộc lựa chọn để xây dựng mô hình điểm của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên cho đồng bào DTTS, trong đó có công tác truyền thông, phổ biến pháp luật.

Các học viên tham gia sôi nổi lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông góp phần giảm thiểu tảo hôn, HNCHT
Các học viên tham gia sôi nổi lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông góp phần giảm thiểu tảo hôn, HNCHT

Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết: Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE), được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP, Bộ Tư pháp tổ chức lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, góp phần giảm thiểu tảo hôn, HNCHT cho tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở và Người có uy tín trong cộng đồng. 

Hầu hết các buổi học của lớp tập huấn tại hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đều rất sôi nổi, bởi các vấn đề được giảng viên đề cập tới tuy “nhạy cảm” nhưng gần gũi, sát với thực tế đang tồn tại ở các địa phương có đông DTTS sinh sống.

Đó là tình trạng tảo hôn, những tác hại của tảo hôn, HNCHT đến sức khỏe của trẻ em, bao gồm cả sức khỏe tâm thần, sinh sản của trẻ em và giống nòi. 40 học viên là tuyên truyền viên 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đều hăng hái tham gia trao đổi, nắm bắt kiến thức thông qua lớp tập huấn.

Với những kiến thức, kinh nghiệm từ những buổi tập huấn, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, Người có uy tín trong cộng đồng, sẽ là “cầu nối” hữu hiệu để truyền tải thông tin, chính sách, pháp luật đến với người dân. Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL, giảm thiểu nạn tảo hôn. HNCHT trong đồng bào DTTS. 

Lực lượng tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, người có uy tín là “cầu nối” hữu hiệu để truyền tải thông tin, chính sách, pháp luật đến với người dân
Lực lượng tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, Người có uy tín là “cầu nối” hữu hiệu để truyền tải thông tin, chính sách, pháp luật đến với người dân

Ông A Twing (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) nhận định: “Tôi thấy buổi tập huấn này thực sự có ý nghĩa thiết thực. Các kiến thức dễ hiểu, giảng viên truyền đạt sinh động, hấp dẫn khiến tôi tập trung hơn vào bài giảng để tiếp thu kiến thức. Nó giúp tôi trang bị thêm nhiều kiến thức để tuyên truyền cho dân làng mình nghe và làm theo”.

Sau khi tham gia tập huấn, các học viên đã có thêm những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy để áp dụng linh hoạt, sáng tạo trong công tác truyền thông, PBGDPL nói chung và truyền thông PBGDPL về giảm thiểu tảo hôn, HNCHT nói riêng. Đồng thời, chủ động, tích cực tự học tập, cập nhật kiến thức pháp luật và các kỹ năng mới về nội dung này để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng tuyên truyền viên.

Ông Kpă Krin (huyện Chư Prông, Gia Lai) bày tỏ: “Với đặc thù vùng biên giới có nhiều đồng bào DTTS sinh sống nên nhận thức, phong tục tập quán không đồng đều. Từ đó, rất khó cho chúng tôi thực hiện tuyên truyền PBGDPL. Chúng tôi mong muốn, có nhiều buổi tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền phù hợp với hoàn cảnh, tình hình của địa phương để dễ tuyên truyền PBGDPL, kịp thời ngăn chặn nạn tảo hôn, HNCHT trong thôn làng của mình”.

Tham gia lớp tập huấn, đội ngũ tuyên truyền viên được phát huy tối đa hiệu quả trong công tác truyền thông giảm thiểu tảo hôn, HNCHT
Tham gia lớp tập huấn, đội ngũ tuyên truyền viên được phát huy tối đa hiệu quả trong công tác truyền thông giảm thiểu tảo hôn, HNCHT

Nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông PBGDPL về giảm thiểu tảo hôn, HNCHT hơn nữa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, từ thực tiễn hoạt động tại địa phương,  tuyên truyền viên cần tổng hợp những mô hình, cách làm hay cũng như khó khăn, vướng mắc để gửi về Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp sẽ hỗ trợ, hướng dẫn để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vấn đề phức tạp, khó xử lý. Từ đó, đảm bảo hoạt động truyền thông, PBGDPL của đội ngũ tuyên truyền viên được phát huy tối đa hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS. 

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Bộ đội Biên phòng tổng kết chuyên án mua bán người ST1223

Sóc Trăng: Bộ đội Biên phòng tổng kết chuyên án mua bán người ST1223

Sáng 28/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết Chuyên án ST1223. Đại tá Trịnh Kim Khâm - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị; Đại tá Bùi Văn Bình - Phó chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP tỉnh chủ trì hội nghị.