Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đắk Lắk: Đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Hoàng Thuỳ (CĐ) - 15:09, 03/12/2021

Để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời, hiệu quả nhất đến với người dân vùng đồng bào DTTS, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk thường xuyên đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tuyên truyền bằng pano, áp phích hai thứ tiếng
Tuyên truyền bằng pano, áp phích cũng được thể hiện bằng hai thứ tiếng

Chạy xe máy chở chiếc loa phía sau, đến từng ngõ ngách thôn buôn tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, anh Y Vân Mlô, Phó Bí thư Đoàn xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Đây là công việc thường ngày của cán bộ Đoàn xã trong suốt thời gian qua, đặc biệt là kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra và diễn biến phức tạp trên địa bàn xã. Nội dung tuyên truyền phòng chống dịch trên hệ thống loa truyền thanh, loa di động, tờ rơi đều được dịch ra hai thứ tiếng Việt - Ê Đê.

Theo ông Lục Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Cư Né, đặc thù của địa phương có đông đồng bào dân tộc Ê Đê, đa phần bà con không biết đọc, biết viết và không nói sõi tiếng phổ thông, nên việc tuyên truyền, đưa thông tin đến cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu. 

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, xã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã ngày 3 buổi sáng, trưa, chiều. Huy động hệ thống cán bộ thôn buôn, hội, đoàn thể đi từng ngõ ngách, nương rẫy tuyên truyền bằng loa cầm tay cho người dân về dịch bệnh và những khuyến cáo được cập nhật liên tục, mới mẻ. 

Ngoài phát loa di động, cán bộ đoàn còn đến từng nhà phát tờ rơi, trực tiếp phân tích cho người dân khai báo y tế, mục đích, ý nghĩa và cách thức khai báo, nhất là đối với những gia đình có người đi làm ăn xa trở về địa phương.

Cán bộ Đoàn xã Cư Né, huyện Krông Búk chở loa di động tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19
Cán bộ Đoàn xã Cư Né, huyện Krông Búk chở loa di động tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19

Các hình thức và hoạt động trên, là những giải pháp đang được Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk chủ trì phối hợp các ban, ngành, đoàn thể triển khai, nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định số 1163/QĐ -TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng DTTS.

Theo báo cáo, từ năm 2017-2021, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, UBND các huyện và UBND các xã, tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, với 850 lượt người tham gia.

Đồng thời, biên soạn, cấp phát 9.785 cuốn sổ tay Hỏi - Đáp, cấp phát 20.000 tờ rơi về Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 bằng hai thức tiếng Việt - Ê đê tại các xã có số đông người đồng bào DTTS; Phối hợp với một số báo, đài Trung ương và địa phương xây dựng các chương trình, chuyên trang tuyên truyền công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phổ biến, giáo dục pháp luật. Lồng ghép với nội dung tuyên truyền thực hiện Đề án 498 về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS; Đề án 1898 về hỗ trợ các hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS. 

Ban Dân tộc cũng đã phối hợp với các sở ngành, địa phương, thực hiện 14 hội nghị tuyên truyền, cấp phát hàng trăm nghìn tờ rơi, sổ tay tuyên truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng 2 mô hình điểm về “nói không với bạo lực gia đình” tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk và xã Yang Mao, huyện Krông Bông.

Ông Hà Huy Quang, Phó trưởng Ban Dân tộc Đắk Lắk cho biết: Ngoài các hình thức tuyên truyền trực quan, Ban Dân tộc đã vận dụng hiệu quả tuyên truyền miệng thông qua các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng về lĩnh vực công tác dân tộc. Qua đó, cung cấp thông tin, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, người có uy tín, đội ngũ cán bộ đoàn thể chính chính trị xã hội tại cơ sở. 

Đồng thời, tranh thủ các phương tiện thông tin đại chúng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội ở các địa bàn có đông đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới... để đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với bà con.