Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Trắng đêm chạy lũ

Thanh Hải - 23:27, 22/07/2025

Nước từ trên trời đổ xuống, nước từ thủy điện xả về… dường như đang tỷ lệ thuận với nỗi phấp phỏng, âu lo của người dân ở những bản làng miền biên viễn xứ Nghệ. Lại một đêm không ngủ, những phận người chấp chới trắng đêm chạy lũ.

Nước sông Lam đoạn qua xã Tam Quang ngày một dâng cao do mưa kết hợp các thủy điện xả lũ - Ảnh: Thanh Hải
Nước sông Lam đoạn qua xã Tam Quang ngày một dâng cao do mưa kết hợp các thủy điện xả lũ - Ảnh: Thanh Hải

Tuyến Quốc lộ huyết mạch 7A lên các xã vùng cao tỉnh Nghệ An đang tắc nghẽn vì ngập lũ. Dòng nước bạc, cuộn chảy từ sông Lam tràn vào, mỗi lúc một dâng cao, nhấn chìm nhiều hộ dân, bản làng của xã Tam Quang. Tính đến cuối chiều ngày 22/7, xã Tam Quang có 3 điểm ngập ở làng Nhùng, Bãi Xa với độ ngập từ 1,2-1,5m.

Nối máy với Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang Kha Thị Hiền, thì được bà chia sẻ đầy thảng thốt: Mưa to quá, nước từ thủy điện chảy về nhiều. Chắc là cán bộ xã sẽ thức trắng để chạy lũ cùng bà con.

Lực lượng tại chõ của xã Tam Quang hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc ngay trong đêm 22/7 - Ảnh: Thanh Hải
Lực lượng tại chỗ của xã Tam Quang hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc ngay trong đêm 22/7 - Ảnh: Thanh Hải



Tam Quang là xã nằm kề liền sông Lam, chịu ảnh hưởng trực tiếp khi thủy điện bản Vẽ, thủy điện Khe Bố xả lũ. Thế nên, hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn, kết hợp thủy điện xả lũ khiến hàng chục hộ dân nơi đây buộc phải di dời từ chiều 22/7. Hiện tại, các lực lượng trên địa bàn xã đã được chia nhỏ thành từng tổ, nhóm cắm chốt ở các vị trí xung yếu, có nguy cơ ngập và ngập sâu.

Lại là lời bà Hiền: Thủy điện Khe Bố đã thông báo xả lũ từ 500m3/s lên 7.000m3/s từ 23h đêm 22/7. Như thế thì quá nguy, khả năng ngập sâu trên diện rộng là không thể tránh khỏi.

Lũ lụt gây chắt cắt nặng nề ở xã Mường Quàng - ảnh: Thanh Hải
Lũ lụt ở xã Mường Quàng - ảnh: Thanh Hải

Nằm giáp ranh với hai thủy điện Châu Thôn và thủy điện Sông Quàng, xã Mường Quàng cũng như đang ngồi trên lửa. Dẫu rằng, xung quanh họ, tứ bề là nước trời mênh mông, trắng xóa. Nước từ trên trời đổ xuống, nước từ các nhà máy thủy điện xả về… biến con sông Quàng chảy gần như chia đôi xã Mường Quàng, như phình to hơn, nhấn chìm nhiều ruộng nương, nhà cửa.

Liên lạc được với Phó chủ tịch UBND xã Mường Quàng Hoàng Trung Cường, nhưng tiếng mưa rơi nặng hạt như cố át đi cuộc nói chuyện giữa ông với phóng viên. Ông Cường bảo: Các thủy điện vẫn chưa có thông báo ngừng xả lũ. Lo ngại mưa lớn kết hợp thủy điện xả lũ, chiều 22/7 chúng tôi đã sơ tán khoảng 20 hộ dân ở sát dọc sông. Chúng tôi phòng là chính, vì thời điểm sơ tán, vẫn chưa bị ngập.

Hỏi ông Cường về kế hoạch sắp tới, thì được biết: Các lực lượng trên địa bàn xã được lệnh trực 100% quân số tại trụ sở để sẵn sàng ứng phó khi nước sông dâng cao gây ngập lũ.

Xã Quỳ Châu lại một đêm thức trắng chạy lũ - Ảnh: Thanh Hải
Xã Quỳ Châu lại một đêm thức trắng chạy lũ - Ảnh: Thanh Hải

Còn nhớ, năm 2023, các nhà máy thủy điện phía Nhạn Hạc, Châu Thắng ở trên xả lũ, kết hợp mưa to đã khiến hàng ngàn hộ dân ở nhiều xã, thị của huyện Quỳ Châu cũ, nay là xã Quỳ Châu ngập trong biển nước. Nước lên nhanh từ mờ sáng và phút chốc thành cơn đại hồng thủy. Thiệt hại của năm 2023 ở địa phương này theo thống kê là khoảng 180 tỷ đồng, gấp 6,5 lần tổng thu ngân sách toàn huyện vào năm 2022.

Ông Lê Thiên Sơn – một hộ dân ở xóm Minh Tiến, xã Quỳ Châu cho hay: Năm 2023, mưa to kết hợp thủy điện xả lũ gây ngập rất nặng nề. Năm nay, chúng tôi cũng dự báo có thể sẽ tái diễn cảnh ngập lũ như năm 2023 nên ai cũng lo phòng tránh, kê cao tài sản, di chuyển cả người đến nơi an toàn. Đêm nay lại chạy lũ rồi.

21h đêm 22/7, các lực lượng xã Quỳ Châu vẫn đang nỗ lực di chuyển đồ đạc cho người dân - Ảnh: Thanh Hải
21h đêm 22/7, các lực lượng xã Quỳ Châu vẫn đang nỗ lực di chuyển đồ đạc cho người dân - Ảnh: Thanh Hải

Còn ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Quỳ Châu thì chắc nịch: Chiều 22/7 đã ngập cục bộ một số điểm, ngập 105 nhà dân do nước sông dâng cao kết hợp mưa lớn. Chúng tôi cũng đã dự báo lũ lụt năm nay sẽ tái diễn như năm 2023 nên đã tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân để bà con cảnh giác, phòng tránh. Rút kinh nghiệm lần trước, công tác ứng phó được xã làm rất sớm. Hiện tại, những vùng nguy cơ ngập thì đã được di dời cả rồi.

Đến 22h ngày 22/7, xã Quỳ Châu đã di dời xong 493 người. Thế nhưng, quốc lộ 48 qua địa phận xã đã ngập sâu với chiều dài 10km. Công tác ứng phó với mưa lũ, nhất là việc lũ sẽ lên nhanh trong đêm 22/7 đang được vận hành theo phương châm “4 tại chỗ”.

Người dân các bản làng miền núi xứ Nghệ lại một đêm thức trắng vì mưa lũ. Mới hay, cuộc vật lộn với thiên tai để mưu sinh, để tồn tại và phát triển chưa bao giờ là dễ dàng.

Tin cùng chuyên mục
Về nơi hoa nở trên tay

Về nơi hoa nở trên tay

Những ngày cuối tháng 7, dưới cái nắng cháy giòn, chúng tôi từ Bến Giằng ngược lên xã biên giới Đắc Pring (TP. Đà Nẵng). Chiều buông xuống, không gian núi rừng như lắng lại trong tiếng lách cách của khung dệt. Ở góc làng nhỏ, những người phụ nữ Ve vẫn bền bỉ ngồi bên khung cửi, dệt nên những tấm thổ cẩm như cách gìn giữ linh hồn của cộng đồng mình giữa đại ngàn Trường Sơn.