Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Triển khai chính sách dân tộc giai đoạn mới: Sự sáng tạo, trách nhiệm đóng vai trò quan trọng

Thanh Huyền - 09:27, 13/10/2020

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG), sẽ được triển khai thực hiện vào năm 2021. Để triển khai hiệu quả Chương trình này, cần phải có sự quyết tâm cao, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó sự năng động, sáng tạo trách nhiệm của địa phương đóng vai trò quan trọng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo tỉnh Hà Giang thăm quan mô hình vườn ươm dược liệu tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo tỉnh Hà Giang thăm quan mô hình vườn ươm dược liệu tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

Trong chuyến công tác cùng Đoàn Ủy ban Dân tộc (UBDT) đến một số tỉnh làm việc về công tác chuẩn bị thực hiện Chương trình MTQG, chúng tôi cảm nhận rõ sự vui mừng, phấn khởi của các cấp chính quyền địa phương, đồng bào DTTS khi Chương trình sắp được triển khai tại địa phương mình.

Đạo Viện là một trong những xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Xã có 7 thôn bản, với 669 hộ, 2.778 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm trên 55%. Tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 23 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 16,4%.

Ông Nguyễn Đình Tứ, Bí thư Đảng ủy xã Đạo Viện chia sẻ: Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng đời sống của Nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. Xã mới đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Xã mong muốn, Trung ương, tỉnh tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, làm nhà ở, ổn định cuộc sống; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng về đường giao thông, xây dựng Trạm Y tế đạt chuẩn, trường lớp học, nhà bán trú cho học sinh, nâng cấp Nhà văn hóa...

Thực hiện yêu cầu của UBDT về lập báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình MTQG, tỉnh Tuyên Quang, đã rà soát nội dung chính sách, đối tượng thụ hưởng, phạm vi, địa bàn thực hiện chính sách, nhu cầu vốn cả giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn, phân kỳ đầu tư một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Tỉnh kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chính sách khoán bảo vệ rừng; chính sách phát triển giáo dục cho học sinh DTTS; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; bổ sung số xã ATK được thụ hưởng chính sách; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách là hộ nghèo người DTTS có hoàn cảnh ĐBKK ở xã khu vực II...

Tại tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát, đối chiếu kết quả điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS năm 2019 do UBDT phối hợp với Tổng cục Thống kê đã công bố, lập báo cáo khả thi thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Tỉnh Hà Giang rất quan tâm và kỳ vọng vào Chương trình MTQG sẽ mang lại sự đổi thay, phát triển mới đối với vùng đồng bào DTTS. Thông tin về kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, tỉnh sẽ nỗ lực cao nhất để sắp xếp các dự án phù hợp, sát thực tiễn, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình.

Phát biểu trong những chuyến công tác kiểm tra, khảo sát tại một số tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, triển khai chính sách dân tộc, công tác dân tộc của các địa phương. Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến gợi ý một số vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo xã, huyện là, nếu được đầu tư về hạ tầng, hay về sinh kế... thì xã, huyện sẽ tập trung làm gì để tạo ra bước phát triển đột phá?

“Đảng, Nhà nước luôn dành dự quan tâm đặc biệt đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Thực hiện công tác dân tộc là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; trong đó phát huy sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm của các địa phương đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện tốt Chương trình MTQG, đem lợi ích tốt nhất cho đồng bào DTTS...”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh.


Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả từ thực hiện chính sách dân tộc ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang)

Hiệu quả từ thực hiện chính sách dân tộc ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang)

Nằm cách thành phố Hà Giang hơn 100 km, Hoàng Su Phì là huyện biên giới phía Tây tỉnh Hà Giang, với 13 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 95%. Thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tổ chức thực hiện hiệu quả các dự án chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.