Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Triển khai Chương trình MTQG 1719 ở Kon Tum: Hệ thống chính trị vào cuộc – Nhân dân đồng thuận

Ngọc Chí - 14:49, 16/08/2023

Mặc dù còn gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của Nhân dân, nên việc triển khai Chương trình MTQG 1719 ở Kon Tum đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống của đồng bào DTTS.

Nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 đã từng bước làm thay đổi diện mạo các thôn, làng đồng DTTS ở Kon Tum
Nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 đã từng bước làm thay đổi diện mạo các thôn, làng đồng DTTS ở Kon Tum

Hệ thống chính trị vào cuộc

Xác định triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, ngày 19/5/2022 Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TU về lãnh đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Ngày 04/10/2022, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 3299/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TU của Tỉnh ủy. Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh ủy và Chương trình hành động của UBND tỉnh, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó đáng chú ý là các công trình hạ tầng được đầu tư đã làm thay đổi diện mạo ở vùng đồng bào DTTS.

Đến thời điểm hiện nay, tất cả các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 đều được các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ động và triển khai kịp thời. Trong đó tất cả các khâu rà soát, xác định mục tiêu, đối tượng, nội dung, hoạt động, danh mục đầu tư, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và nhu cầu thực tế của địa phương, đơn vị được triển khai đồng bộ để xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Ước đến 30 tháng 6 năm 2023, giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình năm 2022 được hơn 367 tỷ đồng, đạt 78% dự toán Trung ương giao; giải ngân vốn kế hoạch năm 2023 đạt hơn 242 tỷ đồng, đạt hơn 29% so với kế hoạch.

Là một huyện nghèo, có hơn 95% là đồng bào Xơ Đăng sinh sống, huyện Tu Mơ Rông được triển khai 9 dự án trong Chương trình MTQG 1719. Tổng kinh phí thực hiện từ năm 2022 đến 2023 là hơn 175 tỷ đồng. Sau khi được phân bổ nguồn vốn, huyện đã tập trung triển khai thực hiện và nhiều công trình đã được đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu của Nhân dân, được Nhân dân đồng thuận cao.

Hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư đưa vào sử dụng trong sự vui mừng, phấn khởi của đồng bào Xơ Đăng, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông
Hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư đưa vào sử dụng trong sự vui mừng, phấn khởi của đồng bào Xơ Đăng, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông

Đi trên con đường liên xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, chị Y Ka Ly, thôn trưởng thôn Đăk Xia phấn khởi cho biết: Giờ đường liên xã đi qua các thôn buổi tối nhìn cũng gần giống như thành phố rồi đấy. Bởi vừa rồi xã đã đầu tư lắp đặt 224 trụ điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại 9 thôn trên địa bàn xã, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719. Bà con trong xã phấn khởi lắm, đường đi có điện thắp sáng sẽ bớt lo về vấn đề tai nạn giao thông và an ninh trật tự cũng đảm bảo hơn.

Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Với quyết tâm là triển khai sớm nhất có thể để đồng bào DTTS được thụ hưởng các dự án hỗ trợ. Ngoài các dự án về đầu tư kết cấu hạ tầng đã và đang triển khai thì các dự án về đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất huyện đã chủ động thuê các đơn vị tư vấn để họ hỗ trợ, hướng dẫn trong quá trình lập dự án. Hiện các dự án này đã hoàn thiện các thủ tục, chờ các ngành chức năng phê duyệt và sẽ triển khai thực hiện hỗ trợ cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện – ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết.

Riêng tại huyện Sa Thầy, với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đến nay huyện đã đầu tư hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 20 công trình cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS; đang xây dựng 26 công trình; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 264 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 335 hộ; tổ chức đào tạo nghề cho 362 lao động… Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân. Song song với việc tháo gỡ khó khăn, triển khai kịp thời, đầy đủ các dự án hỗ trợ dành cho hộ đồng bào DTTS, các cấp ủy Đảng cũng phân công đảng viên phụ trách hộ và nhóm hộ. Từ đó định hướng và hướng dẫn các hộ DTTS được hỗ trợ thay đổi phương thức sản xuất hiệu quả hơn, từng bước tăng năng suất và thu nhập cho gia đình.

Trường THCS Phan Đình Phùng, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy được đầu tư xây dựng khang trang từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719
Trường THCS Phan Đình Phùng, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy được đầu tư xây dựng khang trang từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Người dân đồng thuận

Ông A Yiêng, Bí thư Chi bộ thôn Kà Bầy, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho biết: Triển khai Chương trình MTQG 1719 đồng bào DTTS chúng tôi phấn khởi lắm. Để cho bà con thụ hưởng chương trình một cách hiệu quả nhất, sớm thoát nghèo và vươn lên làm giàu thì Chi bộ đã phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ và hộ nghèo để định hướng họ sử dụng hiệu quả các nguồn lực được hỗ trợ. Đồng thời, hướng dẫn họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Qua thực hiện Chương trình thì thấy đồng bào DTTS trong thôn chúng tôi đã có sự thay đổi nhiều so với trước kia cả về tư duy, nhận thức và cách làm.

Anh A Lễ (bên trái) ở thôn Tê Peng, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô phấn khởi vì được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới khang trang
Anh A Lễ (bên trái) ở thôn Tê Peng, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô phấn khởi vì được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới khang trang

Cũng thông qua Chương trình, nhiều hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được hỗ trợ kinh phí để làm nhà. Anh A Lễ ở thôn Tê Peng, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Trước đây nhà thì tạm bợ, năm 2022 được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, tôi vay 40 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và ít  tiền gia đình tích góp được để làm căn nhà hơn 60 mét vuông. Giờ đây, không còn lo về vấn đề nhà ở nữa, chỉ lo phát triển kinh tế để chăm lo cho các con ăn học.

Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Chương MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh xây dựng và phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình. Mục tiêu của Kế hoạch phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân 3-4%/năm; trên 90% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối internet băng thông rộng; trên 50% xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn so với tổng số xã thuộc diện khó khăn hiện nay… 

Trong quá trình triển khai thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, vương mắc, vì đây là một chương trình lớn và có nhiều dự án thành phần, nhưng Ban Dân tộc tỉnh đã kịp thời phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh nhằm hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn để Chương trình triển khai thông suốt tại các địa phương. Qua đánh giá thì tỉnh Kon Tum là một trong những tỉnh thực hiện đạt ở mức khá.

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới dài hơn 292km tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Campuchia. Dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2023 là hơn 568.000 người; DTTS hơn 312 nghìn người chiếm 54,9% với 43 dân tộc cùng sinh sống. Toàn tỉnh có 102 xã, phường thị trấn, trong đó có 52 xã khu vực III, 05 xã khu vực II, 35 xã khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS.