Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giải trí

Triển lãm trực tuyến "Phá cỗ tranh" mừng Tết Trung thu

T.Hợp - 17:08, 20/09/2021

Sáng 20/9, Triển lãm trực tuyến "Phá cỗ tranh" đã khai mạc. Đây là cuộc trưng bày các tác phẩm mới nhất của nhóm họa sỹ G39 gửi đến những người yêu cái đẹp, yêu hội họa trong dịp Tết Trung thu năm 2021.

Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Phá cỗ tranh” của họa sỹ Ngô Thị Bình Nhi. Ảnh: 39 Concept
Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Phá cỗ tranh” của họa sỹ Ngô Thị Bình Nhi. Ảnh: 39 Concept

Theo thông lệ vài năm trở lại đây, cứ đến trước rằm tháng Bảy là các họa sỹ nhóm G39 lại lên ý tưởng cho một sự kiện nghệ thuật dịp Trung thu. Nhưng năm nay thì khác, dịch bệnh ảnh hưởng khiến cho các nghệ sỹ không thể tụ tập. Ai ở nhà người nấy, làm việc ở xưởng của người ấy... Nhưng ý tưởng về một cuộc triển lãm nhân dịp Trung thu vẫn sẽ tiến hành. Chỉ khác là, thay vì bày tranh trong phòng triển lãm, nhóm sẽ bày tranh trên mạng.

Triển lãm trực tuyến "Phá cỗ tranh" sẽ trưng bày 30 tác phẩm tranh của 17 họa sỹ trong nhóm G39, gồm các họa sỹ Lê Thiết Cương, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Minh Hiếu, Tào Linh, Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Thị Bình Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Võ Lương Nhi, Vương Linh, Nguyễn Minh, Phạm Trần Quân, Trần Giang Nam (Bắc Cạn).

Đặc biệt, triển lãm còn trưng bày tác phẩm của 5 họa sỹ nhỏ tuổi: Nguyễn Hân Dy (10 tuổi), Nguyễn Quốc Hùng (13 tuổi), Nguyễn Vương Bảo Hân (4 tuổi), Nguyễn Vương Bảo Trân (7 tuổi) và Lê Trâm Anh (13 tuổi).

Các tác phẩm tranh đều về đề tài Trung thu, là tranh mới vẽ trên các chất liệu sơn dầu, acrylic, khắc thạch cao, giấy dó, bột mầu trên báo cũ...

Một bức tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương tại triển lãm
Một bức tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương tại triển lãm

Theo Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một thành viên trong nhóm họa sỹ, mọi chuyện trong cuộc sống bây giờ đều liên quan đến COVID-19. Khai giảng, trẻ em đứng trước màn hình tivi, Iphone, Ipad... Còn Trung thu bây giờ, trẻ em cũng chỉ có thể phá cỗ trông trăng trong ngôi nhà của mình. Phá cỗ Trung thu lâu nay là phá mâm cỗ hoa quả. Còn nhóm họa sỹ G39 thì lại "Phá cỗ tranh". Đấy chính là tên triển lãm online của nhóm họa sỹ G39 và cả các họa sỹ nhỏ tuổi vẽ tranh, về ngày Trung thu năm nay.

"Tôi là người sinh hoạt trong nhóm họa sỹ này nhiều năm và đã được công nhận là thành viên của nhóm cách đây 2 năm. Vì thế tôi đóng ''lệ phí'' sinh hoạt năm nay bằng một bức tranh vẽ Trung thu. Tranh màu nước, khổ 50 x 70cm", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết.

Họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ, trong các loại cỗ bàn của người Việt, chỉ mỗi cỗ Trung thu là phá cỗ chứ không phải ăn cỗ. Cỗ này là cỗ tranh, cỗ nghệ thuật, cỗ của cái đẹp. Phá là chia sẻ, chia sẻ những bức tranh mới nhất vẽ về Trung thu với bạn bè đồng nghiệp, với những người yêu cái đẹp, yêu hội họa.

"Trung thu tức là Tết, là sum vầy. Mỗi họa sỹ, mấy bức tranh mới vẽ về mùa Trung thu cùng nhau sum vầy dù chỉ là trên nền tảng internet. Có không khí nào ấm áp hơn thế", họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Triển lãm trực tuyến "Phá cỗ tranh" kéo dài 10 ngày, đến hết ngày 30/9/2021.

Tin cùng chuyên mục
Festival Hoa Đà Lạt với 10 kỳ ấn tượng

Festival Hoa Đà Lạt với 10 kỳ ấn tượng

Đà Lạt có nghề truyền thống trồng hoa 131 năm nay. Ngoài hoa đường phố đặc hữu và hoa dại ngập tràn phố núi đẹp đến nao lòng, mỗi năm Đà Lạt sản xuất gần 4 tỷ cành hoa các loại, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.