Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Triển vọng cây mắc ca trên đất Điện Biên

PV - 16:09, 11/03/2019

Sau 7 năm trồng thí điểm trên 2.000ha cây mắc ca tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đến nay, hầu hết số diện tích này đã cho thu hoạch. So với một số cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế mắc ca mang lại cao hơn hẳn, chỉ sau 3-4 năm cây cho sản lượng quả tươi đạt khoảng 9,4 tấn/ha và doanh thu từ năm thứ 8 trở đi có thể đạt 250 triệu đồng/ha. Do vậy, mắc ca được kỳ vọng sẽ là cây xóa đói giảm nghèo cho nhiều địa phương của tỉnh Điện Biên.

Từ những lứa quả đầu tiên…

Năm 2012, những cây mắc ca đầu tiên được Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên, liên kết với người dân trồng thí điểm tại bản Đứa, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo và xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ với diện tích gần 20ha. Quá trình trồng mắc ca cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng, bởi vậy những năm tiếp theo Công ty tiếp tục mở rộng diện tích và đến nay đã phát triển được trên 1.000ha.

Nông dân Điện Biên thăm quan mô hình sản xuất cây mắc ca giống tại Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ. Nông dân Điện Biên thăm quan mô hình sản xuất cây mắc ca giống tại Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ.

Anh Lò Văn Phóng, bản Cang, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, cho biết: Trên diện tích đất dốc, bạc màu bị bỏ hoang nhiều năm, năm 2017 gia đình quyết định góp 2ha đất với Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên trồng thử nghiệm cây mắc ca. Cây sau khi trồng rất phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên anh Phóng hy vọng loại cây mới này sẽ sớm đem lại nguồn lợi kinh tế cho gia đình. Ngoài góp đất trồng mắc ca, vợ chồng anh Phóng còn được Công ty nhận vào làm công nhân. Công việc của anh chị hằng ngày làm cỏ và bảo vệ diện tích mắc ca, với thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Có việc làm và thu nhập ổn định nên khó khăn của gia đình anh Phóng dần giảm bớt.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, mắc ca có thể trồng tập trung hoặc trồng xen với cây cà phê. Mỗi ha cây mắc ca trồng tập trung, sau năm 5 sẽ cho thu hoạch khoảng 700kg quả, thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng. Những năm sau, năng suất thu hoạch quả sẽ tăng lên và có thể đạt 3 tấn quả/ha. Nếu chăm sóc tốt, sau 3-4 năm cây mắc ca sẽ cho sản lượng quả tươi trung bình đạt 9,4 tấn/ha, doanh thu từ năm thứ 8 trở đi trung bình đạt từ 200-250 triệu đồng/ha. Như vậy, năng suất 1ha cây mắc ca sẽ cao hơn hẳn so với cùng diện tích trồng cây ngô, lúa và nếu trồng mắc ca xen cà phê sẽ cho hiệu quả kinh tế kép.

Đến quy hoạch phát triển quy mô lớn

Sau thời gian có mặt trên đất Điện Biên, cây mắc ca đã dần khẳng định được tính ưu việt hơn so với các loại cây trồng khác. Trong định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mắc ca sẽ được quy hoạch trồng trên địa bàn 4 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên, Tuần Giáo với quy mô khoảng 26.000ha và diện tích quy hoạch khoảng 35.000ha. Việc quy hoạch, mở rộng diện tích này nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý, chỉ đạo và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển, đảm bảo đưa cây mắc ca trở thành cây trồng nông nghiệp chủ lực của tỉnh trong tương lai, gắn với phát triển thành hàng hóa.

Do đó, ngoài đưa ra chủ trương quy hoạch, Điện Biên còn quan tâm đến những chính sách ưu đãi về thuế; miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; được Nhà nước thu hồi đất, giao cho doanh nghiệp thuê để trồng cây mắc ca theo quy định của pháp luật… Hiện nay các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang đầu tư, phát triển cây mắc ca tại Điện Biên theo mô hình chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất cây giống, trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư dự án của mình còn người dân tham gia liên kết trồng mắc ca sẽ thông qua góp đất, cho doanh nghiệp thuê đất hoặc tự trồng mắc ca, có sản phẩm bán cho doanh nghiệp.

Để người dân không bị thiệt thòi khi tham gia liên kết trồng mắc ca với doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Điện Biên chủ động đứng ra làm cán cân phân định. Theo đó, đối với những hộ dân cho thuê đất được tính từ năm thứ 6 là 4 triệu đồng/ha/năm, từ năm thứ 7 trở đi, giá trị chia sẻ lợi nhuận được cộng thêm phần điều chỉnh tăng hằng năm theo chỉ số giá tiêu dùng. Trong trường hợp có biến động tăng về sản lượng hoặc giá sản phẩm mắc ca trung bình/ha từ 15% trở lên so với năm liền kề tính từ năm thứ 7 thì cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và người dân cùng nhau thương thảo, thống nhất lại mức chia sẻ lợi nhuận, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, nhất là lợi ích của người dân.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 3 dự án, trong đó 2 dự án đầu tư mới của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và đầu tư Phú Thịnh tại huyện Ðiện Biên và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc tại huyện Mường Nhé; 1 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư tại huyện Tuần Giáo của Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên, với tổng diện tích gần 16.000ha. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xem xét, 2 chủ trương đầu tư trồng cây mắc ca tại huyện Nậm Pồ. Đối với những diện tích cây mắc ca quy mô nhỏ, do người dân tự trồng từ trước thì khuyến khích ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo khâu bao tiêu, chế biến sản phẩm.

NAM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.