Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Trình diễn nghệ thuật dệt truyền thống của 3 dân tộc Mông, Thái, Mạ

Nguyệt Anh - 13:15, 04/12/2022

Tối 3/12, tại Viện Goethe Hà Nội, các nghệ nhân của 3 dân tộc Mông, Thái, Mạ từ các tỉnh Hà Giang, Nghệ An và Lâm Đồng đã lần đầu tiên trình diễn cho công chúng Hà Nội nghệ thuật dệt truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ nhân trẻ người Mông thao tác dệt trên khung cửi.
Nghệ nhân trẻ người Mông thao tác dệt trên khung cửi.

Triển lãm của Viện Goethe Hà Nội phối hợp với Craftlink tổ chức, nhằm giúp đông đảo người dân hiểu và yêu mến hơn những giá trị của nghệ thuật dệt truyền thống, mang trong đó những ý nghĩa đặc biệt về văn hóa, đời sống tinh thần cũng như bản sắc của 3 dân tộc Mông, Thái và Mạ.

Các sản phẩm dệt do 6 nghệ nhân các dân tộc Mông từ Hợp tác xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ, Hà Giang), Thái (nhóm Thái Thanh) từ bản Na, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) và Mạ từ buôn Go (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) giới thiệu tại Triển lãm và tự tay thực hành dệt, cũng như giới thiệu các khâu từ se sợi, dệt nhuộm cho đến thêu tay…

Phát biểu tại Triển lãm, ông Oliver Brandt, Giám đốc Viện Goethe cho biết, Triển lãm hướng tới một trong những mục tiêu là thúc đẩy đối thoại văn hóa trong xã hội. Dệt là nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên những thay đổi về kinh tế cũng như xã hội cũng đặt ra những thách thức trong việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống này.

Nghệ nhân dân tộc Mạ trình diễn kỹ thuật dệt thổ cẩm của dân tộc mình.
Nghệ nhân dân tộc Mạ trình diễn kỹ thuật dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

Triển lãm tại Viện Goethe góp phần giúp mọi người tiếp cận và hiểu thêm hơn về nghệ thuật dệt vải của người dân tộc địa phương, qua đó có những đóng góp vào mục tiêu chung nhằm giữ gìn những nét văn hóa truyền thống như thế này.

Chia sẻ về Triển lãm, bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc Craftlink cho biết, hiện nay, truyền thống dệt bản địa của Việt Nam đang phải vật lộn để tồn tại khi đối mặt với hàng dệt may của các nhà máy sản xuất ra với giá thành rẻ hơn.

Chính vì điều này, kể từ khi thành lập, Craftlink đã luôn tiến hành các chương trình, dự án khác nhau ở các vùng miền, nhằm khuyến khích thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống dệt lâu đời của mỗi dân tộc, đồng thời học các sử dụng các mẫu hoa văn truyền thống cùng nguyên liệu độc đáo để thể hiện nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc.

Khách tham quan triển lãm thích thú với phần trình diễn nghề dệt của nghệ nhân dân tộc Thái (nhóm Thái Thanh)
Khách tham quan triển lãm thích thú với phần trình diễn nghề dệt của nghệ nhân dân tộc Thái (nhóm Thái Thanh)

Tại Triển lãm, mỗi nhóm nghệ nhân sẽ giới thiệu về văn hóa dệt truyền thống thông qua phần trình diễn trực tiếp của mình. Các nghệ nhân sẽ giới thiệu không chỉ những mảnh vải được dệt tỉ mỉ, thủ công hoàn toàn từ chất liệu cây bông, cây lanh địa phương, mà còn kể về những chức năng và biểu tượng riêng, mang ý nghĩa về văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc mình.

Craftlink hiện đang trợ giúp hơn 60 nhóm nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước, với số người hưởng lợi hơn 6.000 người trong suốt 26 năm qua.

Các dự án của Craftlink không chỉ giúp các nhóm phát triển sản xuất hàng thủ công nâng cao thu nhập, mà còn nâng cao cả năng lực tự quản lý nhóm, tiến tới phát triển bền vững.