Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương hồ hởi: “Chúng tôi vui lắm. Huyện có gần 9.000 nhân khẩu, trong đó 75% là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nông dân các dân tộc thiểu số hiện đã rất tự tin để sản xuất kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng và đó là yếu tố tiên quyết giúp đời sống của bà con thay đổi, nền kinh tế của huyện phát triển. Trên địa bàn huyện hiện có hơn một trăm hộ người Cill, Lạch được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và xã…”.
Đói nghèo đã trở thành quá vãng và tâm lý thiếu tự tin, bị động chờ đợi của đồng bào thiểu số ở Lạc Dương sau 40 năm tách ra từ huyện Đơn Dương đã không còn tồn tại. Hình ảnh những nông dân Cill, Lạch nặng nề với gùi củi lặc lè mệt mỏi rời các triền rừng về ngôi nhà sàn hiu hắt đã vắng bóng. Thay cho những dáng đi buồn buồn đó, là hàng trăm lao động già, trẻ miệt mài trong nhà kính, nhà phủ ni-lông trồng rau, hoa thương phẩm.
Sự “tự tin” bắt nhịp kịp thời mà Chủ tịch huyện đã nói được minh chứng bằng những con số thuyết phục: Gần 5.000ha rau thương phẩm các loại với tổng sản lượng gần 200.000 tấn tính đến hết năm 2018; cùng đó, hơn 1.000ha hoa với gần 3,6 triệu cành… chủ yếu là do bà con các dân tộc thiểu số trồng và chăm sóc.
Trên địa hình cao hơn 1.500m so với mực nước biển, cây cà phê cũng đang là một mũi nhọn kinh tế của cả nghìn hộ dân vốn từng nghèo đói trước kia. Nếu tính sản lượng cà phê như ngành Nông nghiệp huyện đã thống kê là gần 9.000 tấn/năm trên tổng diện tích đã cho thu hoạch là 3.500ha, chia đều cho số lượng nhân khẩu tại 5 xã cùng 1 thị trấn, vị chi mỗi cư dân huyện Lạc Dương đã sản xuất được gần 1 tấn cà phê tính đến dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Sự bứt phá, thay đổi tư duy để tự tin của những nông dân Cill, Lạch trong thời gian nhiều năm liên tục vừa qua đã nhận được sự xúc tác, tiếp sức từ chính cách “trao cần câu” của cả hệ thống chính trị cơ sở. Đầu mối của hướng đi này là UBND huyện Lạc Dương. Tính đến quý I/2019, huyện đã thành lập 8 hợp tác xã và 34 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (tập trung ở lĩnh vực rau, hoa và cà phê). Thông qua các hợp tác xã và tổ hợp tác có vai trò đôn đốc, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và đầu mối thu gom sản phẩm sau thu hoạch, lãnh đạo huyện đã kêu gọi các công ty bên ngoài bao tiêu toàn bộ sản lượng hàng hóa của dân. Tình trạng “ế hàng, dội chợ” không còn xảy ra ở hầu hết diện tích gieo trồng thuộc 6 xã, thị trấn ở Lạc Dương. Tự tin, phấn khởi sản xuất nông nghiệp hàng hóa là suy nghĩ đã đi vào tận từng hộ dân tộc thiểu số các buôn, làng vùng rừng mênh mông Lạc Dương. Đến nay, bình quân thu nhập ở Lạc Dương đã đạt 250 triệu/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với kết quả của cả nước là 90 triệu đồng/ha/năm.
Ông Sử Thanh Hoài, người có kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với vùng sâu Lạc Dương và đang trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc kinh tế nông nghiệp huyện cho biết: Tới nay, trên địa bàn đã được phê duyệt 5 dự án quy hoạch địa điểm sản xuất nông nghiệp dựa trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của địa phương. Cụ thể như khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Áp Lát tại xã Đạ Sar với quy mô 346ha; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực Đa Đeum (xã Đạ Sar) 172ha; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao K’long K’lanh (xã Đạ Chais) với quy mô 181ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng tại (Đạ Sar) hơn 221ha; Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao 300ha (hình thành 2 tiểu vùng: 1 tiểu vùng 170ha, 1 tiểu vùng 130ha) trên địa bàn thị trấn Lạc Dương… Phấn đấu đến 2020 có 30% diện tích đất sản xuất áp dụng công nghệ cao với khoảng 4.500ha cà phê, 5.100-5.200ha rau, hoa quả ôn đới cao cấp.
Càng vui hơn nữa khi mới đây, tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ cho huyện Lạc Dương hơn 6 tỷ đồng, kinh phí chỉ tập trung hỗ trợ các lĩnh vực nông nghiệp. Rau, hoa và cà phê vẫn tiếp tục là những mũi nhọn giúp người dân của huyện “bứt phá” nhanh hơn. Nguồn tiền đầu tư nhanh chóng nạo vét hệ thống suối thủy lợi trên địa bàn đã được huyện bắt đầu triển khai. Rồi đây, những dòng suối Đơng-du, To-poh hay Long Lanh sẽ là những dòng nước ngọt cho hoa tươi hơn, cho cà phê trĩu quả. Và Buôn làng người Cill, người Lạch thêm no ấm…
TRẦN SƠN TÙNG