Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Trở lại vùng tái định cư Thủy điện Sơn La

PV - 10:46, 06/08/2019

Sau gần 16 năm chuyển đến nơi ở mới, người dân tái định cư (TĐC) Thủy điện Sơn La về cơ bản đã ổn định cuộc sống. Nhưng để đời sống của người dân ở các điểm TĐC tốt hơn nơi ở cũ, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Bài 2: Còn đó những khó khăn

Cơ sở vật chất xuống cấp

Năm 2008, 57 hộ dân ở bản Mường Chiên II, xã Mường Chiên (huyện Quỳnh Nhai) được chuyển về khu TĐC ở xã Phổng Lái (Thuận Châu) và vẫn giữ nguyên tên bản cũ. Tại nơi ở mới, bà con được đầu tư về cơ sở vật chất, đường giao thông, điện, hỗ trợ xây dựng nhà ở và bố trí đất sản xuất. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Lò Văn Nguyện, Bí thư Chi bộ thôn Mường Chiên II cho biết, cuộc sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào việc thâm canh cây chè, nhưng do đất đai cằn cỗi nên năng suất thấp, chất lượng không cao, giá thành thấp. Các sản phẩm rau màu chủ yếu là tự cung, tự cấp, khó tiêu thụ. Do khó khăn trong việc phát triển sản xuất, nên các thanh niên trong bản chủ yếu đi làm thuê ở ngoài tỉnh để kiếm kế sinh nhai...

anh Lò Văn Nguyện, Bí thư Chi bộ thôn Mường Chiên II Ông Lò Văn Nguyện, Bí thư Chi bộ thôn Mường Chiên II trao đổi với phóng viên

Còn đối với 50 hộ dân từ quê cũ ở bản Ne, xã Pắc Ma (huyện Quỳnh Nhai) chuyển đến điểm TĐC ở bản Quỳnh Sơn, xã Yên Sơn (huyện Yên Châu) thì đang phải đối mặt với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nhiều năm nay, đường ống dẫn nước từ khu chứa nước về bản cách xa nhà dân, hệ thống ống nước phải kéo dài nên đã xuống cấp, hư hỏng nặng.

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La thì, hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La có hơn 446 công trình cơ sở hạ tầng như: thủy lợi, điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt… Hầu hết các công trình này đã xuống cấp cần có nguồn vốn để bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Thiếu vốn để tái đầu tư

Theo ông Đinh Xuân Mến, quyền Trưởng Ban Quản lý Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La, sau 16 năm triển khai Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La, các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ các khu, điểm tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La đã xuống cấp do mưa lũ, sạt lở đất… Nhưng do chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng nên đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng công trình nhất là các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Cùng với đó, trước đây phần lớn các hộ dân TĐC Dự án Thủy điện Sơn La đều sinh sống ở vùng có địa hình thấp, khí hậu thuận lợi, nhưng khi chuyển đến nơi ở mới, địa hình cao hơn, độ dốc lớn hơn, nên bà con gặp khó khăn trong canh tác, sản xuất...

Một góc bản TĐC ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La. Một góc bản TĐC ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La.

Trước thực trạng này để ổn định cuộc sống cho bà con vùng di dân TĐC Thủy điện Sơn La, ngày 31/5/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 666/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng TĐC Thủy điện Sơn La”, thời gian thực hiện từ 2018-2025. Đề án phấn đấu, đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần năm 2014 và giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%.

Theo đó, tỉnh Sơn La được bố trí sắp xếp ổn định đời sống sản xuất cho người dân thuộc 57 xã trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí là 5.141 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 (2018-2020) đã được Thủ tướng phê duyệt là 1.800 tỷ đồng. Nhưng theo ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thì sau hơn 1 năm, tính từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng TĐC Thủy điện Sơn La” thì, tỉnh vẫn chưa được cấp kinh phí để triển khai thực hiện. Mặc dù tỉnh đã có nhiều văn bản, báo cáo đề xuất kế hoạch nhu cầu vốn để thực hiện Đề án trình các bộ, ngành liên quan.

THÚY HỒNG

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.