Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Trợ lực giúp Ninh Thuận thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Nhật Nguyên- Ngọc Ánh - 10:01, 13/10/2022

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể; các sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch triển khai Dự án 6 về bảo tồn, phát huy văn hóa thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi. Hy vọng đây sẽ là nguồn lực mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả công tác này.

Đồng bào Chăm múa trên tháp dịp Lễ hội Ka tê 2021
Đồng bào Chăm múa trên tháp dịp Lễ hội Ka tê 2021

Vùng đất của những di sản văn hóa 

Ninh Thuận có 6 huyện và 1 thành phố với 65 xã, phường, thị trấn; 397 thôn, khu phố. Thành phần dân cư cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh đa dạng, bao gồm các dân tộc: Kinh, Chăm, Raglai, Chu Ru, Cơ Ho, Hoa ... tạo nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, thể hiện rõ nét đặc trưng về văn hóa của từng dân tộc trong tỉnh.

Tuy đời sống vật chất của nhân dân còn khó khăn, nhưng Ninh Thuận lại là nơi giàu có về văn hóa, bao gồm hệ thống văn hóa: Đình, chùa, lăng miếu, đền, tháp Chăm; hệ thống văn hóa phi vật thể như lễ hội, ngôn ngữ, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống... để lại cho thế hệ hôm nay nhiều di sản văn hóa tiêu biểu và độc đáo, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có tổng số 239 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, gồm các loại hình: Đình làng; chùa; miếu; nhà thờ; lăng (lăng thờ cá Voi/cá Ông); tháp Chăm; thánh đường Hồi giáo; đền thờ của người Chăm; phế tích, bia ký Chăm; di tích lịch sử cách mạng; danh lam thắng cảnh...

Hiện tại, Ninh Thuận đã có 64 di sản văn hóa đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp. Cụ thể, có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai; 17 di sản cấp quốc gia, trong đó có 12 di tích, 5 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc; Lễ hội Katê của đồng bào Chăm; Lễ Bỏ mả của người Raglai; Lễ Cầu ngư của ngư dân ven biển tỉnh Ninh Thuận và Danh lam thắng cảnh quốc gia Vịnh Vĩnh Hy. Có 44 di tích được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh...

Ngoài các di tích, di sản đã được xếp hạng và công nhận ở các cấp, Ninh Thuận còn có hệ thống các lễ nghi, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn học nghệ thuật dân gian của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn; Tết Cổ truyền Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bàni; nghệ thuật làm gốm truyền thống; nghề dệt thổ cẩm truyền thống; nghề làm thuốc Nam của người Chăm; lễ Bỏ mả với nghệ thuật trình diễn mả la của người Raglai; lễ hội cầu ngư (với các hoạt động hát tuồng, hát lăng, đua thuyền rồng, lễ xuất quân đánh bắt đầu năm, nghinh ông cầu mùa) của ngư dân vùng ven biển… Đó là vốn quý về văn hóa, tô đậm thêm bức tranh văn hóa nhiều màu sắc của tỉnh Ninh Thuận.

Tháp Chăm- di sản văn hóa của đồng bào Chăm Ninh Thuận
Tháp Chăm- di sản văn hóa của đồng bào Chăm Ninh Thuận

Chú trọng bảo tồn, phát huy di sản

Để lãnh đạo công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa. Tập trung xây dựng và thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển văn học, nghệ thuật. Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, triển lãm, thông tin lưu động, cổ động trực quan, biểu diễn nghệ thuật nhằm bảo tồn giá trị di sản văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân…

Tỉnh cũng phát huy vai trò của chức sắc, chức việc cùng các nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây là những người nắm giữ và lưu truyền di sản văn hóa của dân tộc và của quốc gia, đã có những cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Nghi thức rước y trang của người Chăm
Nghi thức rước y trang của người Chăm

Ngoài ra, việc duy trì phong tục, tập quán lành mạnh, tốt đẹp, các lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy. Điển hình như: Lễ hội cúng Xuân, cúng Thu hàng năm tại các đình, đền, lăng, miếu, lễ cầu ngư của người Kinh; Lễ hội Katê, Ramưwan của đồng bào Chăm; lễ bỏ mả, ăn đầu lúa, lễ báo hiếu của người Raglai...

Triển khai dự án 6 về bảo tồn, phát huy văn hóa

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, từ cuối tháng 12/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 6670/KH-UBND về thực hiện Dự án “Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 2030, viết tắt là Kế hoạch).

Theo đó, Kế hoạch xác định các nội dung thực hiện giai đoạn 2021-2030 bao gồm: Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS (dân tộc Chăm và dân tộc Raglai); Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Tập trung ưu tiên thực hiện bảo tồn lễ hội Katê của người Chăm tại các huyện trong tỉnh có phân bố lễ hội; bảo tồn tập quán tín ngưỡng lễ hội đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc; bảo tồn lễ Bỏ mả của người Raglai tỉnh Ninh Thuận và các nghi lễ, phong tục tập quán tốt đẹp khác của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Các thiếu nữ Chăm biểu diễn múa quạt mừng Lễ hội Katê 2020 tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu ( huyện Ninh Phước)
Các thiếu nữ Chăm biểu diễn múa quạt mừng Lễ hội Katê 2020 tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước)

Đồng thời, xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; Xây dựng điểm sáng văn hóa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tại các vùng có đông đảo bà con DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh, làm nòng cốt nhân rộng lan tỏa tại các địa phương.

Tỉnh cũng sẽ tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch: kỹ năng chế biến món ăn; kỹ năng hướng dẫn và phục vụ lưu trú; kỹ năng điều hành tour, phục vụ du lịch; Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc hoặc có nguy cơ thất truyền, mai một để lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với đó, tập trung hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS; Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào DTTS; Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu trên địa bàn của các DTTS; Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Như vậy, với nguồn hỗ trợ kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I (2021-2025), đây sẽ là trợ lực quan trọng giúp tỉnh Ninh Thuận thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát triển văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.


Tin cùng chuyên mục