Còn về diễn biến theo từng khu vực, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 1/7 cho thấy, hiện toàn thế giới có 167.545.404 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 11.455.845 ca bệnh đang điều trị thì có 11.376.613 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 79.232 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 47.980.412 trường hợp, trong đó có 1.102.696 ca tử vong và 45.425.354 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa có thêm 68.984 ca nhiễm mới.
Trong cuộc họp ngày 30/6, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí danh sách bổ sung gồm Canada cùng 10 quốc gia và vùng lãnh thổ khác vào danh sách các nước và vùng lãnh thổ được đi lại mà không cần lý do thiết yếu. Danh sách bổ sung này bao gồm Armenia, Azerbaijan, Bosnia - Herzegovina, Brunei, Canada, Jordan, Kosovo (Serbia), Moldova, Montenegro, Qatar và Saudi Arabia. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong vài ngày tới. Trong khi đó, Anh không có tên trong danh sách trên do số ca bệnh tại nước này đang tăng vọt do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh gây ra.
Hiện Bắc Mỹ có 40.610.608 ca nhiễm bệnh, trong đó có 918.221 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện do những tiến bộ trong chương trình tiêm chủng, song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 34.544.094 ca nhiễm và 620.237 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 1/7, Nam Mỹ có 32.908.311 ca nhiễm COVID-19, với 1.004.957 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 18.559.164; 4.470.374; 4.240.982; 2.052.065… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 55.834.958 trường hợp, với 791.971 ca tử vong và 53.216.935 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.826.152 ca bệnh đang điều trị thì có 26.539 ca trong tình trạng nghiêm trọng.
Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 30.410.577 ca, trong đó có 399.475 ca tử vong.Trong một nỗ lực nhằm cải thiện tình hình dịch bệnh, Ấn Độ thông báo tiếp tục cấm các chuyến bay quốc tế thương mại đi và đến nước này cho đến ngày 31/7. Tuy nhiên, hạn chế này không áp dụng đối với các máy bay chở hàng quốc tế hoặc các chuyến bay đặc biệt. Trước đó, Ấn Độ đã cấm các chuyến bay thương mại khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc hoàn toàn vào cuối tháng 3 năm ngoái nhằm khống chế dịch COVID-19.
Ngày 30/6, Chính phủ Indonesia thông báo sẽ áp dụng lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng khẩn cấp từ ngày 3-20/7 với mục tiêu giảm số ca xuống còn 10.000 ca/ngày. Indonesia điều chỉnh các biện pháp phong tỏa khẩn cấp trong bối cảnh quốc gia này liên tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong hai tuần qua. Tính đến sáng 1/7, tổng số ca nhiễm tại quốc gia châu Á này là 2.178.272 trường hợp.
Tính đến sáng 24/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 5.554.154 trường hợp, trong đó có 143.357 ca tử vong và 4.846.228 ca bình phục. Trong tổng số 564.569 ca đang điều trị thì có 4.671 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.973.972 ca nhiễm COVID-19 và 60.647 ca tử vong vì dịch bệnh.
Hiện châu Đại Dương có 74.482 trường hợp nhiễm COVID-19, với 1.280 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 30.611 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 19.007 ca./.