Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghịPhát biểu tại Hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động được gần 15 năm kể từ ngày “mở cổng” 19/9/2010. Trong suốt hành trình đó, Làng đã từng bước hiện thực hóa sứ mệnh trở thành nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc của 54 dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc.
15 năm hình thành và phát triển được đánh dấu bởi sự khởi sắc trong các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, với sự hiện diện thường xuyên, ngày một sâu sắc, sống động của các nhóm đồng bào DTTS đến từ các địa phương. Sức hấp dẫn ấy đã được minh chứng rõ nét bằng lượng du khách trong nước và quốc tế ngày càng tăng, để lại những ấn tượng tốt đẹp, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc tới công chúng.
Đặc biệt, phương châm “chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” được thực hiện xuyên suốt trong các sự kiện thường niên có ý nghĩa chính trị, văn hóa lớn, như Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tuần “Đại đoàn kết - Di sản Văn hóa Việt Nam”… đến những chương trình điểm nhấn, hoạt động hằng ngày như: Lễ hội truyền thống, trình diễn trang phục, nghề thủ công, ẩm thực, trò chơi dân gian… Chính điều đó đã “thổi hồn”, thổi màu xanh của sự sống vào từng nếp nhà ở “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa. Và quan trọng hơn là từng bước làm sống dậy những giá trị văn hóa, đưa văn hóa dân tộc đến gần hơn với Nhân dân và du khách, nhất là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Theo bà Trịnh Thị Thủy, tính đến năm 2025, Làng đã huy động được 16 nhóm cộng đồng các dân tộc, với hơn 120 nghệ nhân, đồng bào về đây sinh sống, duy trì tổ chức hoạt động thường xuyên. Bộ VHTT&DL đã chủ động triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp với các địa phương, tăng cường kết nối, bảo đảm nhân lực, nội dung, chất lượng chương trình, để từng hoạt động tại Làng luôn giàu bản sắc và mang dấu ấn riêng.
Đặc biệt, ngày 15/9/2024, Bộ VHTT&DL đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BVHTTDL, quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và định mức chi phí dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào được mời tham gia hoạt động tại Làng. Một dấu mốc quan trọng thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ và là kết quả nỗ lực của toàn thể tập thể lãnh đạo Cục Văn hóa các dân tộc trong việc cụ thể hóa chính sách thành hiện thực. Nhờ đó, bà con yên tâm gắn bó lâu dài, coi Làng là “quê hương thứ hai” của mình - một nơi vừa thiêng liêng, vừa gần gũi.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trịnh Ngọc Chung - Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: Quá trình tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, với sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương và Ban Quản lý, trên cơ sở hướng dẫn về Khung nội dung hoạt động hằng ngày và quy định cụ thể về các nội dung hoạt động thường xuyên (từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần), hoạt động trong những ngày cuối tuần, sự kiện, các nhóm đồng bào DTTS đã cơ bản tổ chức tái hiện tốt các hoạt động hằng ngày, phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa của từng dân tộc, thể hiện tốt vai trò chủ thể văn hóa trong việc giới thiệu, giao lưu văn hóa giữa các nhóm dân tộc và du khách tham quan.
Đặc biệt từ ngày 17/72024, Bộ VHTT&DL đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và định mức chi phí dịch vụ hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào các dân tộc được mời tham gia hoạt động tại Làng đã được ban hành, trong đó quy định mức chi hỗ trợ sinh hoạt cho đồng bào là 4.800.000 đồng/người/tháng từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và nguồn ngân sách nhà nước cấp đối với phần kinh phí còn thiếu. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về chính sách đối với đồng bào các dân tộc tham gia hoạt động tại Làng.
Các đại biểu tham dự Hội nghịBà Y Sinh - Trưởng nhóm dân tộc Xơ Đăng sinh sống tại Làng, cho biết: Tại Làng có 16 cộng đồng DTTS đến từ 11 địa phương trên cả nước để bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Từ năm 2017, duy trì liên tục cho đến nay, lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, động viên để khích lệ có cơ chế chính sách hỗ trợ cho bà con sinh sống tại Làng. Chúng tôi rất vinh dự và tự hào vì được sinh sống tại Làng. Đây là cơ hội để chúng tôi quảng bá bản sắc văn hóa đến du khách trong nước và quốc tế.
Tại Hội nghị các đại biểu tham dự đã góp ý, thảo luận về công tác phối hợp với địa phương nghiên cứu, tổ chức đa dạng, có chiều sâu các hoạt động, sự kiện, ngày hội văn hóa, chương trình giao lưu văn hóa với quy mô lớn, toàn quốc, tiêu biểu đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Tại Hội nghị, Bộ VHTT&DL đã trao Bằng khen cho các địa phương có nhiều hoạt động phối hợp với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.