Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trồng dâu nuôi tằm bên bờ sông Ba

PV - 08:38, 20/04/2018

Thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (Phú Yên) có nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm.

Nhiều thời kỳ, giá bán tơ tằm bấp bênh nhưng người dân nơi đây vẫn “sống chết” với cây dâu, con tằm. Bởi nghề truyền thống này đã giúp cho nhiều gia đình từ chỗ đói ăn, thiếu mặc có cuộc sống ổn định.

Nằm bên bờ sông Ba, thôn Mỹ Thạnh Tây có được những bãi bồi phù sa màu mỡ do dòng sông bồi đắp, rất thích hợp cho cây dâu. Từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn nuôi tằm theo cách truyền thống.

Theo ông Ngô Đình Nhân, người có nhiều kinh nghiệm nuôi tằm chia sẻ: Nuôi tằm dưới bếp, khi nấu nướng bay mùi dầu mỡ là nó bỏ ăn, còn nuôi ngoài sân, bay mùi phân heo, phân bò, nó cũng biếng ăn. Chỗ nuôi tằm phải rộng mát, không nóng bức chúng mới chịu được.

Người dân đang chăm sóc cho những nong tằm chuẩn bị cho kén. Người dân đang chăm sóc cho những nong tằm chuẩn bị cho kén.

 

Ngoài việc kiêng cữ, người nuôi tằm còn cần chuẩn bị rất kỹ các khâu như chân giá đỡ cho các nong tằm phải đặt trên 4 cái chén đựng nước để kiến không leo lên nong tằm. Còn phía trên giăng mùng đề phòng thằn lằn, rắn mối trên trần nhà rớt xuống nong dâu, ăn hết tằm.... “Nuôi tằm lâu năm nên ai cũng biết phải thực hiện kiêng cữ mấy việc này”, ông Nhân thông tin.

Trao đổi về nghề nuôi tằm ở địa phương, ông Nguyễn Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghề trồng dâu nuôi tằm nơi đây vẫn duy trì và phát triển. Bởi các hộ không sản xuất riêng lẻ mà tham gia vào HTX nên được hỗ trợ về kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, diện tích trồng cây dâu ven sông Ba vẫn còn hơn 12ha; số hộ tham gia làng nghề 58 hộ, với hơn 100 nhân khẩu. Hầu hết các hộ tham gia làng nghề có cuộc sống ổn định, thậm chí có hộ khá giả nhờ vào nguồn thu nhập từ nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Theo tìm hiểu cách nuôi tằm của bà con được biết, sau khi nhận trứng ủ cho trứng nở, người nuôi sẽ hái lá dâu non cho tằm ăn. Thường để nuôi 6 gam trứng, trồng 1 sào dâu là đủ tằm ăn trọn vòng đời. 1 gam trứng nếu nuôi đạt cho ra 3kg tơ (1 con tằm nhả ra 1.000m sợi tơ). Vòng đời nuôi, từ ngày thả trứng đến 20 ngày là thành kén. Lựa kén bỏ ra né (một dụng cụ đan bằng tre) cho tằm quay tơ, hiện 1kg tơ, bà con đang bán với giá 120.000 đồng.

Mặc dù giá tơ vẫn thường bấp bênh, có lúc 120.000 đồng/kg, có thời điểm hạ xuống còn 100.000 đồng/kg, nhiều hộ cũng định bỏ nghề để tìm việc khác mưu sinh. Tuy nhiên, đến đầu mùa, người dân lại đổ ra sông Ba củng cố lại soi dâu, trồng lại những cây bị nước lụt bứng gốc, cây già cỗi. Đặc biệt, qua tháng Giêng, soi dâu ra lá non, làng nghề bắt đầu nhộn nhịp. Giai đoạn “tằm ăn lên”, ra sông hái lá dâu đi đụng đầu. Ông Trần Đình Bá, người hơn 30 năm với nghề trồng dâu nuôi tằm, cho hay: “Trong thời gian chờ dâu ra lá non, mọi người lại tranh thủ chẻ tre đan nong, bện né vì đã “sống chết” với nghề này rồi”.

Ông Lê Ngọc Cửu, Giám đốc HTX Nông nghiệp-Kinh doanh-Dịch vụ Hòa Phong, cho biết: Nghề nuôi tằm giúp người dân có thu nhập ổn định. Bà con nơi đây gắn bó với con tằm một phần vì “cảm mến” tính sạch sẽ của loài vật này Muốn nuôi được con tằm phải bằng kinh nghiệm và lòng yêu nghề truyền thống, chứ không phải dùng sức, bởi nuôi nó còn khó hơn nuôi trẻ nhỏ”.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Khám phá Háng Pò

Khám phá Háng Pò

Vào đầu tháng 4 âm lịch hằng năm, người dân lại nô nức đi trảy hội Háng Pò tại xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Đến đây, du khách sẽ có dịp được hòa mình vào những làn điệu dân ca cổ truyền như hát sli, hát quan lang mượt mà đằm thắm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Bên cạnh đó còn có các hoạt động múa sư tử, lày cỏ, trưng bày các sản vật của địa phương, được thưởng thức những món ẩm thực độc đáo… mang đậm sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng.