Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Trống đồng báu vật thiêng trong nghi lễ của người Lô Lô

PV - 17:30, 13/03/2018

Trong dịp về Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam để tái hiện Lễ cúng Tổ tiên cùng một số nét sinh hoạt văn hóa của dân tộc Lô Lô, nhóm nghệ nhân và đồng bào Lô Lô ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã giới thiệu đến công chúng Thủ đô về di sản trống đồng gắn với những nghi lễ tâm linh và những điệu múa trống độc đáo.

Nghệ nhân Vương Việt Dũng, chủ trì Lễ cúng Tổ tiên cho biết, trước đây, mỗi dòng họ người Lô Lô ở Lũng Cú đều có một bộ trống đồng để dùng vào việc tang tế và các nghi lễ sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Trống đồng thường do người trưởng họ giữ, được treo cẩn thận trong nhà bếp. Người Lô Lô coi trống là vật thiêng nên mỗi tháng, gia chủ giữ trống phải thắp hương cúng khấn ba lần. Khi mang trống ra sử dụng cũng phải thắp hương xin phép tổ tiên rồi mới được hạ trống xuống.

Người Lô Lô sử dụng trống đồng thường có đôi, có cặp: một trống đực và một trống cái. Người Lô Lô sử dụng trống đồng thường có đôi, có cặp: một trống đực và một trống cái.

 

Đôi trống đồng được đồng bào Lô Lô mang về “Ngôi nhà chung” để tái hiện nghi lễ gồm một trống đực và một trống cái. Trống to (trống cái) tiếng Lô Lô gọi là dảnh mo; trống bé (trống đực) gọi là dảnh pố.

Trống đực được cấu tạo tang nở, thân eo, chân choãi, có đường kính mặt rộng khoảng trên 60cm, đường kính chân trống 56 cm, cao 37cm, có 4 quai bố trí thành 2 cặp đối xứng nhau qua trục thân. Chính giữa mặt trống là hoa văn hình ngôi sao 12 cánh. Trống được trang trí bằng nhiều loại hoa văn tiêu biểu như: đường thẳng song song hướng tâm, vòng tròn chấm, hình người hóa trang cách điệu. Nhìn kỹ nét hoa văn trên mặt trống đồng sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng với hoa văn trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô.

Nghệ nhân Vương Việt Dũng giải thích, điểm khác biệt giữa trống đồng Lô Lô với trống đồng của các dân tộc khác chính là những lỗ tròn thủng trên mặt trống. Người Lô Lô quan niệm, bố là trời, mẹ là đất, mặt trời là trung tâm vũ trụ.

Và trống đồng chính là biểu tượng của vũ trụ, bởi hình tròn giữa mặt trống chính là mặt trời, còn những tia trống là những con mắt của trời, các vành hoa văn xung quanh trống là các hành tinh vây quanh mặt trời.

Một điều đặc biệt là không phải người Lô Lô nào cũng được đánh trống. Người đánh trống phải được dòng tộc lựa chọn, đó là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh chưa có vợ hoặc nếu có vợ thì người vợ phải không trong thời kỳ mang thai.

Khi đánh, chiếc trống đực bao giờ cũng được treo bên phải, trống cái treo bên trái. Hai đầu dây được buộc vào từng quai của hai chiếc, treo lên xà nhà, hai trống được buộc quay mặt vào nhau với khoảng cánh giữa hai trống là 30cm. Khi đánh trống, người đánh dùng tay phải cầm dùi to lia vào 2 mặt trống đực và cái, còn thanh tre dẹt bật ngang vào tang trống đực, vì vậy sẽ có 3 âm thanh cùng phát ra một lúc.

Người Lô Lô có tới 36 điệu đánh trống. Trong lễ tế trời thì dùng trống mồ dảnh (trống trời), lễ cúng thổ thần dùng trống po dảnh (trống ếch) và trong tang ma dùng trống múi dảnh, thắng dảnh. Trong các nghi lễ tang ma, âm thanh của trống đồng có vai trò giữ nhịp cho các điệu múa dân gian, đưa linh hồn người quá cố về với tổ tiên. Trong các điệu múa nghi lễ có điệu múa “người rừng” hay “ma cỏ”, tiếng Lô Lô gọi là gà lu. Số lượng người tham gia điệu múa gà lu thường từ 6 đến 8 người.

Những người này lên rừng lấy cây cỏ dương xỉ hóa trang thành người rừng. Người Lô Lô quan niệm, ma cỏ là nguồn cội của tổ tiên xưa ở trên rừng, lấy cây cỏ làm quần áo. Vì vậy khi làm lễ, muốn tổ tiên về được thì phải có ma cỏ dẫn đường, ma cỏ cũng là cầu nối giữa con cháu trên trần gian với tổ tiên.

Khi tham gia múa, họ phải thực hiện những kiêng kỵ nhất định, ví dụ như không được nói; đi đứng không được vấp ngã, vì nếu vấp ngã hoặc bị nhận dạng thì năm đó sẽ gặp xui xẻo…

Hiện nay, đồng bào Lô Lô ở Hà Giang vẫn bảo tồn những cặp trống đồng để phục vụ trong các nghi lễ sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Tuy nhiên, số lượng trống đồng trong cộng đồng cũng không còn nhiều do bị thất lạc hoặc mất trộm... Trước đây, mỗi dòng họ thường có đủ 3 cặp trống, nhưng nay, ít dòng họ có đủ 3 cặp. Thường mỗi dòng họ chỉ còn 1 hoặc 2 cặp, khi cần sử dụng thì phải mượn nhau...

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

“Theo dấu chân Người” là chủ đề của chuỗi các hoạt động tháng 5/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Trong đó, có nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như “Bài ca dâng Bác”, “Tây Nguyên với Bác Hồ - Bác Hồ với Tây Nguyên”, tái hiện lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai…