Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Trồng hoa trên núi đá

PV - 15:29, 04/06/2018

Đầu tư hàng 100 triệu đồng, thuê quả đồi cằn cỗi trên đỉnh Mã Pì Lèng (cung đèo nằm trên con đường Hạnh Phúc, nối huyện Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) để trồng hoa, chàng trai Ma Hoàng Sơn, dân tộc Tày (sinh năm 1989) đã khiến nhiều người ngỡ ngàng với quyết định của mình. Từ sự liều lĩnh ấy, đến nay vườn hoa của Ma Hoàng Sơn đã trở thành một điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến với Hà Giang.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, Ma Hoàng Sơn từng có kinh nghiệm 10 năm làm lữ hành. Anh chia sẻ: với công việc dẫn khách, mình có nhiều điều muốn giới thiệu, nhưng nếu bản thân Cao nguyên đá không đẹp hơn sẽ khiến điều mình nói trở nên đơn điệu, nhàm chán.

Ma Hoàng Sơn đang chăm sóc vườn hoa của mình. Ma Hoàng Sơn đang chăm sóc vườn hoa của mình.

Với suy nghĩ ấy, đầu năm 2017, Ma Hoàng Sơn bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Ban đầu, Hoàng Sơn đầu tư hơn 100 triệu đồng bằng tiền vay mượn từ gia đình, bạn bè và một phần của bản thân để “thử thách” mình với quả đồi rộng 800m2. Những ngày đầu triển khai dự án, Ma Hoàng Sơn bị nhiều người chê cười vì ý tưởng trồng hoa trên mảnh đồi cằn cỗi. Nhưng động lực giúp anh vượt qua, đó chính là gia đình.

Để có thể trồng hoa trên mảnh đồi cằn cỗi, anh Hoàng Sơn phải mua hơn 20 khối đất, vận chuyển lên độ cao 20m bằng chiếc gùi của người Mông. Công đoạn phát quang, làm cỏ cũng tốn nhiều sức bởi trước đó nơi đây bạt ngàn cây dại. Đến bây giờ, Hoàng Sơn vẫn không quên những ngày “ăn, ngủ” cùng vườn hoa, làm việc trên đồi đá từ sáng sớm tới chiều muộn.

Với địa hình ở Cao nguyên đá, giống hoa được Hoàng Sơn lựa chọn trồng chủ đạo là hoa hồng cổ Sapa và hoa tuylip, vì đây là giống hoa thích hợp với khí hậu ôn hòa. Những ngày đầu triển khai, anh gặp không ít khó khăn khi trồng 1.000 củ hoa tuylip nhưng chỉ khoảng 300 củ phát triển tốt, gây thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Sau đó, Hoàng Sơn phải đều đặn mỗi ngày theo dõi sự phát triển của cây để đưa ra chế độ chăm sóc phù hợp.

Tính đến nay vườn hoa của Ma Hoàng Sơn đã mở cửa cho du khách thăm quan được gần 1 năm. Anh cho biết, thời điểm đông khách nhất là từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau, với vài chục lượt khách mỗi ngày. Trong thời gian này, Hoàng Sơn còn thuê một số người dân địa phương về làm vườn, bón phân… tạo ra thu nhập thời vụ cho bà con. Hoàng Sơn cũng “bật mí”, số tiền đầu tư vào vườn hoa giờ đã lên đến 500 triệu đồng, tuy đã có lãi nhưng Sơn lại dùng số tiền đó để đầu tư, cải tạo tiếp khu vườn.

Hoàng Sơn đang có dự định sẽ trồng thêm nhiều loại hoa để phủ kín vườn, đồng thời, xây dựng thêm các dịch vụ hứa hẹn là nơi thăm quan lý tưởng cho du khách gần xa.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.