Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

“Trồng người” ở bản Ba Ngày

PV - 17:28, 12/01/2018

Giữa trùng điệp mây núi, trập trùng sương giăng nơi miền sơn cước xa xôi với vô vàn thiếu thốn, vất vả các thầy cô giáo ở bản Ba Ngày, xã Tà Long huyện Đakrông (Quảng Trị) vẫn miệt mài bám lớp bám trường để dạy chữ cho con em bản làng.

Miệt mài “cắm bản”

Bản Ba Ngày, xã Tà Long- một trong những bản làng xa ngái, heo hút và trắc trở nhất nhì ở huyện Đakrông. Sau gần 4 giờ vượt khoảng 150km đường đèo dốc quanh co xuyên giữa trùng điệp mây giăng chúng tôi mới tiếp cận được với điểm trường lẻ này.

Điểm trường lẻ gồm Mầm non và Tiểu học Ba Ngày nằm lọt thỏm giữa một thung lũng nhỏ với bao quanh là núi và một khe suối lớn. Cô giáo trẻ Hồ Thị Luyến, 26 tuổi đón chúng tôi tại cổng điểm trường mầm non với gương mặt phờ phạc vì chăm 20 đứa trẻ hiếu động cả buổi sáng.

Tiếng là điểm trường lẻ, nhưng thật ra lớp học của trẻ mầm non chỉ là một vuông nhà nhỏ xíu được dựng nên bằng tre nứa với phần mái kết bằng tranh, xung quanh thưng che bằng những tấm gỗ mục, bạt tạm bợ. Đang mùa mưa lạnh nên chốc chốc gió lại thổi thông thống vào phòng qua những khe hở, đám trẻ lại co rúm vì lạnh.

Sau khi đón chúng tôi, cô Luyến lại tất bật kiểm tra bữa cơm trưa cho lũ trẻ. Ở đây mỗi cháu có một cà mèn cơm được mang theo từ sáng. Đó là những chiếc sọt nhỏ được đan bằng tre hoặc cà mèn nhựa đựng cơm với măng rừng, muối, gia đình cháu nào “có điều kiện” hơn thì có thêm miếng thịt mỡ, thịt ếch, cá suối hoặc leng cá khô nhỏ xíu…

Tỉ mẩn bắt từng con kiến, côn trùng ra khỏi những phần cơm của các em, Luyến chia sẻ; cô quê ở thôn Pa Hy, xã Tà Long cách điểm trường Ba Ngày gần 40 cây số đường mòn xuyên rừng. Năm 2012, Luyến tốt nghiệp Trường CĐSP Quảng Trị sau đó xin vào dạy tại 2 điểm trường khó khăn nhất của xã Tà Long là Chai và A Đu. Sau một thời gian gắn bó, đầu năm 2017, Luyến được chuyển ra điểm trường Ba Ngày.

“Ở nơi dạy mới, tuy có gần nhà hơn nhưng nếu thời tiết thuận lợi thì có khi một tuần em về một lần, nếu mưa gió thì ở lại cả tháng là thường, Luyến chia sẻ.

Ngoài cô Luyến, những điểm trường đặc biệt khó khăn ở xã Tà Long còn rất nhiều thầy cô giáo khác nữa vẫn ngày ngày miệt mài như thế, với ước mong cháy bỏng là con em bản làng sẽ có được con chữ, có thêm tri thức những mong ngày mai tươi sáng...

Cô Luyến kiểm tra bữa cơm trưa của các cháu. Cô Luyến kiểm tra bữa cơm trưa của các cháu.

 

Nỗi khổ ở nơi nhiều không

Cô giáo Hồ Thị Thủy, Hiệu phó Trường Mầm non Tà Long kể rằng, cảm thương các thầy cô giáo cắm bản vất vả, vài năm trước dân bản đã vào rừng chặt tre nứa dựng căn nhà ở cho giáo viên. Đó là dãy nhà tạm hở trước trống sau, nằm sát bên mép suối với 3 phòng ở của 4 thầy cô giáo và 1 phòng làm nơi nấu ăn.

Thầy Hồ Văn Đàm, quê xã Hướng Hiệp có thâm niên 25 dạy học khắp các bản làng ở huyện Đakrông chia sẻ: “Mình vào đây dạy được 8 năm rồi. Đã công tác ở nhiều nơi, mình thấy điểm trường này là một trong những nơi khó khăn bậc nhất ở miền núi Quảng Trị. Bản thân mình thì thấy quen rồi, chỉ ái ngại và thương những giáo viên trẻ thôi.

Tại điểm trường Tiểu học Ba Ngày hiện nay có 5 lớp từ lớp 1- lớp 5 (trong đó có 1 lớp ghép gồm lớp 1 và lớp 2). Theo thầy Đàm, do mặt bằng kiến thức của các em ở đây còn thấp, với lại hạn chế về ngôn ngữ phổ thông nên các em tiếp thu khá chậm. Vì thế giáo viên phải cố gắng hết sức, dù vất vả cũng phải giúp các em học được kiến thức căn bản.

Việc truyền dạy con chữ khó khăn đã vậy, các giáo viên ở Ba Ngày còn đối mặt với “nhiều cái không” rất thiết yếu: Không sóng điện thoại, không internet, không nước sạch, điện thì phập phù lúc có lúc không… Phần lớn các giáo viên nữ ở điểm trường này đều chưa có chồng con. Ngồi trò chuyện, các cô nói vui là ở mãi đây có khi ế chồng chỏng chơ cũng nên. Bởi ở đây dường như là một thế giới khác so với bên ngoài, dù chỉ cách xa vài chục cây số.

“Mỗi lần ai có việc cần gọi điện thoại về nhà thì phải leo lên những mỏm đá cao, giáo viên nam thì leo cây may ra mới… bắt được sóng điện thoại! Còn như chiều gọi ngược lại thì chịu, lúc nào cũng tò tí te thôi! Cũng bởi vậy, niềm vui mỗi lúc rảnh rỗi buổi tối của thầy cô giáo ở đây là ngồi trò chuyện, đuổi muỗi rồi vào đi ngủ sớm như gà lên chuồng vì chẳng có niềm vui nào khác”, thầy Đàm tếu táo pha chút trầm ngâm tâm sự.

Chia tay thung lũng nhỏ nơi có điểm trường Mầm non và Tiểu học Ba Ngày, chúng tôi càng thấm thía hơn nỗi gian truân của các thầy cô giáo nơi này. Có lẽ, chỉ có tình yêu mãnh liệt với nghề và tấm lòng thương yêu với học sinh nơi miền heo hút này mới đủ sức giúp họ bám trụ được như vậy!n

" Mình vào đây dạy được 8 năm rồi. Đã công tác ở nhiều nơi, mình thấy điểm trường này là một trong những nơi khó khăn bậc nhất ở miền núi Quảng Trị. Bản thân mình thì thấy quen rồi, chỉ ái ngại và thương những giáo viên trẻ thôi”. Thầy Hồ Văn Đàm, quê xã Hướng Hiệp
Tin cùng chuyên mục
Cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên vùng đồng bào DTTS

Cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên vùng đồng bào DTTS

Vấn đề phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được nhiều Đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận về Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu cho rằng, cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo để tháo gỡ những khó khăn trong công tác giáo dục đang tồn tại ở khu vực này.