Báo cáo đánh giá của Tỉnh ủy Điện Biên nêu rõ, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45 có thể thấy tình hình kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào dân tộc Mông nói riêng tại Điện Biên đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, kiên cố hoá, 100% xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn khoảng 47.300 hộ, ước còn 37,45%. Trong hơn 7.000 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm trên địa bàn tỉnh thì có tới 30% là các hộ đồng bào dân tộc Mông.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên các tuyến biên giới được giữ vững, đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Phát biểu tại buổi làm việc, biểu dương những kết quả mà tỉnh Điện Biên đạt được, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh: Ưu tiên số một của Điện Biên vẫn là công tác dân tộc, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các bộ phận còn khó khăn nhất phải hết sức quan tâm. Đời sống chung của đồng bào khá tốt, nhưng vẫn phải tập trung vào các nhóm dân tộc khó khăn nhất như: Cống, Si La, Mông; phải quan tâm hơn nữa đến việc giải quyết nghèo theo đa chiều...
Trước đó, bà Trương Thị Mai cùng đoàn kiểm tra cũng đã có buổi làm việc với huyện Điện Biên về công tác dân tộc và gặp gỡ, đối thoại với 25 già làng, trưởng bản, Người có uy tín của 4 xã: Hứa Thanh, Thanh Nưa, Mường Pồn và Nà Nhạn. Tại đây bà Trương Thị Mai ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các già làng, trưởng bản, Người có uy tín để nghiên cứu, tham mưu, tiếp tục xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tiếp theo…
VŨ LỢI