Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Trường nghề và cách mạng công nghiệp 4.0

PV - 11:27, 14/08/2018

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã có tác động không nhỏ đến thị trường lao động của Việt Nam. Làm thế nào để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 đang là thách thức không nhỏ đối với các trường nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Nhằm giúp các trường nhận diện và hiểu rõ hơn về cách mạng công nghiệp 4.0 đối với công tác đào tạo nghề, Khối thi đua các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tỉnh Bình Định đã mở một hội thảo về “Giải pháp đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. Ðây được xem là động thái tích cực của các trường trong bối cảnh đang căng thẳng vì tuyển sinh, trước các thông tin về sáp nhập, tự chủ.

cách mạng công nghiệp 4.0 Sinh viên của lớp công nghệ sinh học, Trường CĐ Cơ điện- Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ thực hành trong phòng thí nghiệm.

Để chuẩn bị cho công tác đào tạo, hòa theo dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Trung Tiến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện-Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ cho biết, Trường đã từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế. “Mục tiêu của Trường là sau khi ra trường sinh viên sẽ đáp ứng được yêu cầu cho những doanh nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, có sử dụng công nghệ 4.0”, ông Tiến chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Tiến, cần nâng tỷ lệ thực hành trong đào tạo, không có con đường nào khác thay thế được bằng đào tạo thực hành. Song vấn đề khó khăn nhất của các trường nghề hiện nay là, chi phí đầu tư cho công nghệ khá cao, do đó thay vì đầu tư dàn trải, các trường chỉ nên lựa chọn những nghề chất lượng cao, trọng điểm.

Ông Lê Quang Đáng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Định, nhận định: “Với 3 nội dung cốt lõi là trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật và dữ liệu lớn, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động không nhỏ đến y học. Một số công việc trong ngành Y sẽ biến mất trong tương lai do có sự thay thế của robot, máy móc. Robot có thể phẫu thuật, chẩn đoán chính xác bệnh. Nhưng suy cho cùng, robot cũng chỉ là sản phẩm của con người, không thể thay thế con người trong hoạt động tương tác, chăm sóc, chia sẻ với người bệnh!”.

Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, bà Bùi Thị Tịnh, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, cho rằng: Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên văn hóa, nghệ thuật. Bằng công nghệ, kỹ thuật số, sinh viên có thể sáng tạo, mở ra lối đi mới.

Trong Hội thảo, đại diện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp của tỉnh Bình Định cũng đã có những chia sẻ rất thẳng thắn xung quanh công tác đào tạo thời 4.0. Đại diện Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định cho biết, việc đào tạo nhân lực ngành Nông nghiệp trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ cách mạng 4.0 là một bài toán khó với Trường trong bối cảnh hiện tại. Bởi, nguồn kinh phí đầu tư cho thực hành, thực tập còn hạn chế, các trang thiết bị phục vụ thực hành đã lạc hậu; trình độ học viên hạn chế; số doanh nghiệp tiếp cận và đổi mới công nghệ sản xuất trên địa bàn còn ít.

Bàn về việc nguồn lực hạn chế, trong khi khoa học kỹ thuật thay đổi chóng mặt, ông Phạm Văn Tường, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cho rằng, mối liên kết hiện tại của doanh nghiệp với các trường nghề đã có nhưng chưa sâu, chưa chặt chẽ. Trong thời gian tới, cần tăng cường quan hệ liên kết với doanh nghiệp. Theo ông Tường, ở các nước phát triển, mô hình “trường tại doanh nghiệp - doanh nghiệp tại trường” được đề cao. Các doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo, họ có trách nhiệm biến một phần xưởng sản xuất của mình thành nơi học tập cho người học nghề.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Tiến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện-Xây dựng và Nông lâm Trung bộ cũng đồng tình. Nhưng ông Tiến cho rằng, sẽ rất khó để thực hiện. Bởi trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp tại Việt Nam hiện không quá nhiệt tình với việc đồng hành cùng công tác đào tạo, dù họ yêu cầu rất cao về năng lực của người lao động sau tốt nghiệp.

Có thể nói, thời đại công nghiệp 4.0 là thời điểm có nhiều sự thay đổi trong việc đào tạo sinh viên, tạo dựng nguồn nhân lực. Chính vì thế, những định hướng nghề nghiệp là vô cùng quan trọng. Dù chưa có hẳn một giải pháp tối ưu nào cho công tác đào tạo, cung ứng nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. “Song, điều quan trọng là, tất cả các trường đều đã nhìn rõ được những thách thức lẫn cơ hội, quan tâm, tìm kiếm một hướng đi phù hợp để phát triển bền vững trong giai đoạn mới”, ông Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh.

PHƯƠNG LÊ

Tin cùng chuyên mục
Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Sau 7 tháng thi công, công trình cầu Hà Lẹc ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc. Mục tiêu kết nối giao thông - “mở lối” thoát nghèo cho đồng bào các DTTS vùng biên huyện Lệ Thủy đang dần trở thành hiện thực.