Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Trưởng thôn người Jrai mẫu mực

PV - 14:45, 22/07/2019

Nhiều năm qua, Cựu chiến binh Rơ Mah Duen, dân tộc Jrai ở làng Dơk Ngol (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, Gia Lai) luôn được người dân địa phương tin yêu, nể trọng. Ông là người rất trách nhiệm với dân làng, với thâm niên 36 năm làm Trưởng thôn. Đồng thời, ông cũng là người làm ăn giỏi có tiếng ở địa phương.

Cựu chiến binh Rơ Mah Duen sinh năm 1954. 17 tuổi, Rơ Mah Duen đã tình nguyện làm du kích xã cùng phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu và bảo vệ Trung đoàn Pley Me. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng ông trở về địa phương tiếp tục giữ chức Xã đội phó. Đến năm 1978, ông lại cùng bộ đội chủ lực sang Campuchia truy quét tàn quân Khơ me đỏ và Ful rô, giúp Nhân dân nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng.

Năm 1982, rời quân ngũ trở về địa phương, ông được bà con dân làng Dơk Ngol bầu làm Trưởng thôn. Thời kỳ này, đời sống của người dân còn hết sức khó khăn, nghèo đói, trong khi sản xuất chủ yếu là làm nương rẫy, năng suất thấp… Với trách nhiệm là Trưởng thôn, ông luôn trăn trở làm sao để giúp người dân có cuộc sống no đủ, ổn định. Thật may khi đó, Đoàn Kinh tế Quốc phòng (nay là Công ty 74 thuộc Binh đoàn 15) vào làm kinh tế với nhiệm vụ khai khẩn đất hoang để trồng cao su. Như người đang đi trong đêm tối thấy ánh sáng, với cương vị Trưởng thôn, ông đã động viên dân làng vào làm công nhân của Công ty để có việc làm thường xuyên, vừa có lương vừa có đất trồng trọt.

Ông nhớ lại, khi lãnh đạo Công ty tới động viên bà con vào làm công nhân, nhiều người còn dửng dưng vì quen lối sống du canh, du cư. Nhưng với suy nghĩ của mình, ông phải là người đi đầu làm trước để bà con làm theo. Ông thuyết phục vợ con nhận đất của Công ty để trồng, chăm sóc cao su theo chế độ nhận khoán. Với việc làm trước và kiên trì vận động của ông, đến năm 1984, một số thanh niên cũng đã xin vào làm công nhân, cùng đó, một số hộ gia đình cũng đã nhận khoán diện tích cao su để chăm sóc.

Đại tá Anh hùng Lao động Giám đốc Công ty 74 thuộc Binh đoàn 15 chụp hình cùng Cựu chiến binh Rơ Mah Duen. Đại tá Anh hùng Lao động Giám đốc Công ty 74 thuộc Binh đoàn 15 chụp hình cùng Cựu chiến binh Rơ Mah Duen.

Từ đó cho đến nay, gần như 100% số gia đình trong làng Dơk Ngol có người làm công nhân và nhận khoán chăm sóc vườn cao su. Cuộc sống nơi đây đã được thay da đổi thịt, những ngôi nhà xây đã thay thế những ngôi nhà xập xệ. Có những hộ hằng năm thu nhập từ 180 triệu đến 200 triệu đồng. Riêng vợ chồng ông Rơ Mah Duen có 6 người con, hiện 4 người đã ra ở riêng và đang làm công nhân của Công ty 74, kinh tế rất ổn định. Hai vợ chồng ông hiện có thu nhập từ 250 đến 270 triệu đồng/năm. Năm 2012, ông đã xây được ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi với số tiền 500 triệu đồng…

Ông nói: “Cuộc đời vui nhất là trong 36 năm làm Trưởng thôn là mình được bà con tin yêu, kính trọng”. Trong những năm làm Trưởng thôn tới nay, với những đóng góp của mình, ông đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen do các cấp khen thưởng. Ông bảo, có khoảng 120 giấy khen, bằng khen và ông cũng không nhớ có bao nhiêu lần được đi dự hội nghị thi đua-khen thưởng từ địa phương đến Trung ương.

LÊ TRỌNG SÁNG

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.