Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Truyền thông qua ngôn ngữ dân tộc thiểu số: Thực trạng và giải pháp

PV - 14:55, 10/04/2019

Những năm qua, công tác truyền thông cho đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, truyền thông ở vùng DTTS nếu không chú ý đến yếu tố văn hóa có thể sẽ dẫn đến những sai lệch, hiểu lầm làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc, ảnh hưởng đến đại đoàn kết toàn dân,… Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Hoạt động truyền thông bằng ngôn ngữ DTTS khu vực phía Bắc”, do Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) phối hợp với Viện Ngôn ngữ học và Ủy ban Dân tộc tổ chức, các chuyên gia đã có những đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này.

Hoạt động truyền thông giúp đồng bào DTTS được tiếp cận các thông tin phù hợp với bà con ở miền núi vùng cao. (Ảnh Mạnh Cường) Hoạt động truyền thông giúp đồng bào DTTS được tiếp cận các thông tin phù hợp với bà con ở miền núi vùng cao. (Ảnh Mạnh Cường).

“Cầu nối” thông tin hiệu quả

Việc đưa ngôn ngữ DTTS vào công tác tuyên truyền và hoạt động truyền thông ở miền Bắc nước ta, chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc đã có từ lâu và được duy trì thường xuyên, ngày càng được nâng cao về nội dung, hình thức. Các đơn vị truyền thông với kỹ năng trong việc biên tập, biên dịch, biên soạn, bố trí sắp xếp thời gian, thời lượng và sản xuất các chương trình dân tộc bằng ngôn ngữ riêng hoặc song ngữ đã nâng cao được hiệu quả truyền thông, đảm bảo chất lượng cao, hợp lý, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của mỗi dân tộc.

Theo ông Chu Tuấn Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, việc sử dụng ngôn ngữ các DTTS trong hoạt động truyền thông giúp nâng cao lòng tự tôn dân tộc và tự hào về văn hóa dân tộc mình, tăng thêm sự gắn bó đoàn kết cộng đồng các dân tộc, khơi dậy tình yêu bản làng, quê hương đất nước, giúp các DTTS tự bảo vệ và phát triển những di sản văn hóa độc đáo của chính dân tộc mình, góp phần tô thắm thêm rừng hoa muôn màu trong vườn hoa các dân tộc Việt Nam.

Trên Kênh phát thanh Văn hóa Xã hội (VOV2- Đài TNVN) Chương trình Sắc màu dân tộc Việt Nam là một trong những Chương trình truyền thông bằng ngôn ngữ DTTS có hiệu quả. Chương trình đã giới thiệu nhiều gương nghệ nhân là già làng, trưởng bản, các nhà sưu tập vẫn giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, Chương trình từng bước giúp cho cộng đồng dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, tạo điều kiện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc tại địa phương.

Hay trong Chương trình phát thanh tiếng Dao của Đài PT-TH Tuyên Quang về tin tức thời sự trong nước và quốc tế đều được bà con người Dao đón nhận bởi chứa đựng nhiều thông tin có tính cập nhật.

Những điều bỏ ngỏ

Tuy nhiên, theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, hoạt động truyền thông bằng ngôn ngữ DTTS hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ, còn nhiều bất cập. Nhà báo Xuân Hoan, Trưởng phòng Tiếng dân tộc Đài PT-TH Thái Nguyên cho rằng, tình trạng bài viết cho vùng đồng bào vẫn còn chung chung, chưa phân tích, chưa hướng dẫn cho cơ sở, cán bộ và đồng bào làm một cách cụ thể. Qua theo dõi nhiều chương trình tuyên truyền cổ vũ cho lối sống mới, hiện đại đến mức quá đà, khiến cho một bộ phận, không chỉ lớp trẻ mà cả người cao tuổi cũng mất dần phong tục, tập quán tốt đẹp mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc.

Hay theo ông Đỗ Văn Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc hiện nay còn nhiều DTTS có tiếng nói, chữ viết chưa có chương trình phát thanh, truyền hình trên các kênh sóng của đài Trung ương và các đài địa phương; nội dung phát bằng tiếng dân tộc chưa nhiều, thời gian phát chưa phù hợp với tập quán, điều kiện sản xuất và sinh hoạt của từng dân tộc. Ngoài ra các Đài PTTH các tỉnh có thời lượng phát ngắn, nội dung, hình thức tuyên truyền bằng ngôn ngữ DTTS về các vấn đề văn hóa, phòng chống tệ nạn, tội phạm, vấn đề bảo vệ môi trường… còn thiếu chuyên sâu, chưa thực sự thu hút, nặng về thông báo.

Cần thêm hướng đi mới

Để góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng truyền thông cho đồng bào dân tộc, PGS. TS Phạm Văn Tình, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, cần phải tuyển chọn bồi dưỡng năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên người dân tộc. Họ phải là những người yêu tiếng dân tộc mình. Đồng thời xem xét tới chế độ đãi ngộ phù hợp cho lực lượng này để khuyến khích, động viên họ gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, yếu tố công nghệ và kỹ thuật truyền thông ngày càng được cải tiến và hiện đại cũng là nhân tố quan trọng để thúc đẩy truyền thông tiếng dân tộc đi vào giai đoạn phát triển mới.

Có thể khẳng định, việc chú trọng công tác truyền thông dân tộc, đáp ứng nhu cầu thông tin của đồng bào DTTS là một trong những hoạt động mang tính chiến lược của đất nước. Do đó, trong thời gian tới, làm tốt công tác truyền thông ở vùng đồng bào các DTTS sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách thông tin dành cho đồng bào dân tộc với đồng bào miền xuôi, thay đổi nhận thức và hành vi cho đồng bào DTTS theo hướng tích cực, vì sự phát triển chung của xã hội.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.