Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tự hào các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc

Nguyễn Văn Phong - 10:00, 30/04/2021

Trong không khí tưng bừng, phấn khởi của cả nước kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021); chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, những người làm công tác dân tộc trên mọi miền đất nước đang hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (3/5/1946 - 3/5/2021).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu về dự Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc lần thứ Nhất năm 2017.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu về dự Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc lần thứ Nhất năm 2017.

Cách đây 75 năm, ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Nội vụ, bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số - tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Tiếp đó, ngày 9/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã ký Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số nhằm “nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân DTTS trên toàn cõi Việt Nam, để củng cố trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”.

Như vậy, chỉ một năm sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, cơ quan chuyên trách làm công tác dân tộc đã được thành lập. Chức năng, nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số được xác định trong sắc lệnh Bác Hồ đã ký là: “Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các DTTS trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, từ đó đến nay trong Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều có một cơ quan chuyên trách để nghiên cứu, theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện chính sách dân tộc. Các cơ quan này trong từng thời kỳ cách mạng dù với những tên gọi khác nhau nhưng đều nhằm thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng.

Nhìn lại chặng đường lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đồng bào các dân tộc Việt Nam đã có những đóng góp lớn lao; trong đó đồng bào các DTTS ở các vùng, miền trong cả nước vừa là cội nguồn cách mạng vừa phối hợp với quân chủ lực tiêu diệt nhiều sinh lực địch, lập nhiều chiến công hiển hách. Nhiều chiến dịch lớn có tính quyết định diễn ra ở miền núi và vùng đồng bào DTTS. Bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bằng lòng dũng cảm hy sinh của quân dân cả nước, chúng ta đã đánh thắng thực dân và đế quốc xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thu non sông gấm vóc về một mối, viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục kiên trì đường lối đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc đã được ban hành và triển khai thực hiện.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phấn đấu nỗ lực vươn lên của đồng bào các DTTS và việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều chuyển biến quan trọng và đạt được nhiều kết quả. Kinh tế tăng trưởng khá, một bộ phận vốn quen sản xuất tự cấp, tự túc đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển sản xuất, tạo ra một số vùng kinh tế hàng hoá, hạn chế việc du canh du cư đốt phá rừng làm nương rẫy, xây dựng được những mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và ngày càng có nhiều hộ đồng bào DTTS làm kinh tế giỏi. 

Công tác xoá đói giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, số hộ nghèo giảm một cách rõ rệt, số hộ khá, giàu ngày một tăng; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn bình quân mỗi năm giảm 3-5%. Cở sở hạ tầng thiết yếu vùng DTTS và miền núi (đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch sinh hoạt, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, chợ…) được cải thiện rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và cải thiện đời sống dân sinh của đồng bào các dân tộc. Mặt bằng dân trí ở vùng đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt; đã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đang tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hầu hết các xã, thôn, bản đã có trường tiểu học, nhà mẫu giáo, tạo điều kiện cho con em các dân tộc được đến trường. Các huyện vùng sâu, vùng xa có trường phổ thông dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi và đã có hàng vạn con em đồng bào các DTTS được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

 Công tác chăm sóc sức khỏe được chú trọng, người nghèo được cấp bảo hiểm y tế, miễn phí khám chữa bệnh, các huyện vùng DTTS đã có trung tâm y tế, các xã có trạm y tế và cán bộ y tế cơ sở. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm đáng kể. Trẻ em được tiêm phòng đầy đủ, các dịch bệnh được ngăn chặn, đẩy lùi. Văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy; đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào được cải thiện. Việc xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị và chăm lo công tác cán bộ vùng DTTS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở vùng DTTS và miền núi ngày càng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi đã khẳng định đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Sự kiện tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam đánh dấu một mốc quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đã tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và trách nhiệm đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; ghi nhận và đánh giá cao cống hiến của đồng bào DTTS trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đánh giá và khẳng định sự đúng đắn đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; tạo niềm phấn khởi và củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước ta. Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam cũng là diễn đàn để đồng bào DTTS giao lưu, học hỏi những điển hình tiên tiến, thi đua yêu nước phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Những thành tựu đạt được trong 75 năm qua của đồng bào các DTTS có sự đóng góp tích cực của đội ngũ các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc trong cả nước nói chung và Ủy ban Dân tộc nói riêng, vượt lên mọi khó khăn thách thức để vận động đồng bào thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Những thành tựu đạt được đó cũng chính là niềm tự hào, hạnh phúc của mỗi cán bộ làm công tác dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.