Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đóng góp thầm lặng của những người làm công tác dân tộc

Thanh Huyền - 09:55, 22/06/2020

Lần nào gọi điện hỏi thăm các anh chị công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, chúng tôi cũng nhận được lời mời trân trọng đến thăm mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc này. Với những chuyến đi như thế, chúng tôi luôn hào hứng. Đi để cảm nhận, để sẻ chia với cuộc sống của đồng bào DTTS, để hiểu được sự vất vả, gian nan của những người làm công tác dân tộc.

Đời sống đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang đang từng bước đổi thay nhờ địa phương thực hiện tốt các chính sách dân tộc.
Đời sống đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang đang từng bước đổi thay nhờ địa phương thực hiện tốt các chính sách dân tộc.

Đổi thay trên những bản làng

Có lẽ những ai đã từng đặt chân đến những bản làng vùng đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang đều có chung cảm nhận sự đổi thay diện mạo nông thôn miền núi. Từ Đồng Văn, Mèo Vạc đến Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì - những nơi gian khó nhất đều có bước phát triển.

Mới đây nhất, trong chuyến công tác đến huyện Quản Bạ, chúng tôi đã có dịp được mục sở thị cuộc sống của đồng bào dân tộc Bố Y, một trong nhóm DTTS rất ít người của tỉnh Hà Giang nói riêng, cả nước nói chung. Đi trên con đường sạch đẹp trong thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến, ngắm nhìn những thành quả của người Bố Y trong lao động, sản xuất; ghé thăm những ngôi nhà Homestay… chúng tôi càng thấy trân trọng hơn công sức của đồng bào nơi đây. Cộng đồng dân tộc Bố Y đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa - dịch vụ. Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến Lê Trung Kiên cho biết: Xã có 186 hộ với gần 700 khẩu người Bố Y. Hiện toàn xã chỉ còn 12/186 hộ dân tộc Bố Y thuộc diện nghèo. Cuộc sống người Bố Y phát triển đã đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã.

Sự phát triển vươn lên của cộng đồng người Bố Y ở Quyết Tiến chỉ là một ví dụ trong sự đổi thay chung của đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang. Có được những kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, sự nỗ lực vươn lên của người dân, thì có sự đóng góp thầm lặng của Ban Dân tộc và những người làm công tác dân tộc - những người âm thầm đứng sau trong triển khai thực hiện tốt chính sách dân tộc.

Những đóng góp thầm lặng

Có thể thấy trong từng giai đoạn, tùy từng điều kiện cụ thể, công tác tham mưu, thực hiện chính sách dân tộc luôn được Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang quan tâm, nỗ lực triển khai thực hiện. Kịp thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc... Nhờ những nỗ lực đó, 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm nhanh, bình quân 5 - 6 %/năm. Đến nay, 100% các xã, phường thị trấn đã có đường ô tô đến trung tâm; 100% số thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm, 89% hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,2 triệu đồng/người/năm…

Ông Hoàng Đức Tiến, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang chia sẻ: Công tác Dân tộc là một trong những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, do vậy để đưa chủ trương, chính sách đến với đồng bào và được đồng bào hưởng ứng thì chính sách phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Chính sách đưa vào triển khai thực hiện tại cơ sở phải linh hoạt, sáng tạo. Cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của Người có uy tín để tuyên truyền vận động đồng bào giữ gìn bản sắc dân tộc, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội...

Dẫu biết cuộc sống vẫn còn nhiều gian nan, nhưng đồng bào đang vươn lên mạnh mẽ nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của chính quyền các cấp, đặc biệt là sự đóng góp to lớn của những người làm công tác dân tộc. Chắc chắn vùng đồng bào DTTS của tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục có thêm những “hào quang” mới.

Với những thành tích trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hà Giang lần thứ III, năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang là 1 trong 2 tập thể vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.


Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.