Năm 1971, ông Nguyễn Văn Hòa vào bộ đội, chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông Hòa phục viên về quê hương và tham gia tự vệ ở Tiểu khu Lào Cai. Sáng sớm ngày 17/2/1979, bộ binh Trung Quốc với xe tăng yểm trợ, mở nhiều đợt tấn công đánh phá ác liệt vào thị xã Lào Cai của tỉnh Hoàng Liên Sơn hồi đó. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, không cân sức, đơn vị không có súng chống tăng, chiến sĩ Hòa đã dũng cảm, không ngại hy sinh, vượt qua khu hỏa lực địch bắn dữ dội đến một đơn vị bộ đội chủ lực của ta mượn được khẩu súng B40, rồi nhanh chóng bám địch, đuổi theo xe tăng Trung Quốc bắn hai quả đạn, diệt tại chỗ hai xe tăng. Sau đó, dùng khẩu trung liên bắn vào đội hình đối phương, sử dụng B40 diệt thêm hai xe tăng nữa, tạo điều kiện cho đồng đội tiêu diệt sinh lực kẻ thù, chặn đứng mũi tiến quân của đối phương trong buổi sáng mở đầu cuộc chiến tranh biên giới.
“Cùng với sự chiến đấu anh dũng của đơn vị trong nhiều ngày, đã ngăn cản quân Trung Quốc tiến sâu vào thị xã Lào Cai, bảo đảm cho người dân kịp sơ tán về tuyến sau an toàn, giảm thiểu thương vong”, ông Hòa nhớ lại.
Với những chiến công trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, ông Hòa được vinh dự phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Chiến tranh kết thúc, trở về qua rất nhiều vị trí công tác; trong đó, chức vụ Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai là nhiệm vụ cuối cùng ông Hòa đảm nhiệm trước khi nghỉ hưu. Dù ở vị trí công tác nào hay khi đã về nghỉ hưu, ông Hòa luôn tự hào mình từng là “Bộ đội cụ Hồ”, đóng góp công sức xây dựng quê hương Lào Cai ngày càng phát triển giàu đẹp.
“Bản thân tôi thấy tự hào vô cùng trước sự phát triển của quê hương Lào Cai. Dù đã nghỉ hưu tôi vẫn sống trọn vẹn cuộc đời với Đảng và giữ trọn tình cảm của mình với quê hương, đóng góp với bà con khối phố xây dựng thành phố ngày càng đẹp hơn”, ông Hòa tâm sự.
Từng tham gia chiến đấu ở cao điểm 518, thuộc xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) chặn đường tiến của quân Trung Quốc với mục tiêu khống chế Quốc lộ 70, đánh chiếm huyện lỵ Bảo Thắng, Đại tá Nguyễn Địch Tập, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai nhớ lại: Khi ấy, quân Trung Quốc với chiến thuật “biển người” ào ạt xông lên chiếm chốt của ta. Ba trung đội bộ binh của đại đội 2, tiểu đoàn 1, trung đoàn 118 đã anh dũng chiến đấu, dù cạn kiệt đạn dược nhưng đã bẻ gẫy mũi tiến công của quân Trung Quốc, bảo vệ hậu cứ phía sau an toàn.
“Chỉ riêng đơn vị tôi đã có đồng chí đại đội phó và một trung đội đã hy sinh. Họ đều là những người lính tuổi đời mới 18-20 tuổi. Trong quá trình xây dựng và phát triển TP. Lào Cai, sự hy sinh đóng góp của các liệt sĩ trong quá trình bảo vệ Lào Cai nói riêng và trên tuyến biên giới nói chung, những người lính chúng tôi luôn tự hào, vinh dự được đóng góp xương máu để cho TP. Lào Cai ngày nay được phát triển”, Đại tá Địch Tập chia sẻ.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc ngày ấy, không chỉ có các lực lượng vũ trang mà còn có rất nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng của những công nhân, nông dân... Hai vợ chồng chị Vũ Thị Chiên và anh Đặng Văn Dương, đều là tự vệ lâm trường đã xung phong lên vị trí tiền tiêu để chiến đấu. Cả hai vợ chồng sử dụng nhiều loại vũ khí đánh trả nhiều đợt tấn công của đối phương. Cầm cự cho đến ngày thứ tư, anh Dương hy sinh, chị Chiên nén đau thương tiếp tục chiến đấu, cùng đồng đội chặn đứng mũi tấn công của quân địch từ hướng Pha Long đánh vào thị trấn Mường Khương.
Theo thống kê, sau gần một tháng chiến đấu, quân và dân Lào Cai đã đánh hơn một nghìn trận lớn nhỏ, bẻ gẫy và chặn đứng chiến lược đánh nhanh, tiến nhanh của đối phương vào lãnh thổ đất nước, bảo vệ cho Nhân dân kịp rút về tuyến sau. Sát cánh cùng với bộ đội, các tầng lớp Nhân dân Hoàng Liên Sơn ngày ấy đã huy động tối đa nhân lực, vật lực phục vụ cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Cụ thể, đã huy động 550 lượt xe cơ giới, 1.200 lượt ngựa thồ để chuyên chở hơn 3.000 tấn nhu yếu phẩm và vũ khí đạn dược, vượt qua 120.000km đường để phục vụ quân ta chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
TRỌNG BẢO