Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tự hào những nhà nông trẻ người DTTS

Thanh Huyền - 15:00, 03/01/2020

Năm 2019, Giải thưởng Lương Định Của bước vào năm thứ 14, được trao cho 34 thanh niên xuất sắc trên toàn quốc. Họ là những nhà nông trẻ tiêu biểu có thành tích sản xuất, kinh doanh tốt, tạo việc làm cho nhiều lao động, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên. Đặc biệt, một số mô hình do thanh niên làm chủ đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Trong số 34 gương nhà nông trẻ tiêu biểu, có 4 thanh niên là người DTTS…

Xồng Bá Dênh (thứ hai từ trái sang) chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp từ nông nghiệp tại Lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2019
Xồng Bá Dênh (thứ hai từ trái sang) chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp từ nông nghiệp tại Lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2019

Đó là tấm gương Xồng Bá Dênh, dân tộc Mông, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Là Bí thư Đoàn xã Na Ngoi, với mong muốn thu hút tập hợp thanh niên vào tổ chức đoàn, tạo nguồn quỹ tại chỗ, phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn của tuổi trẻ, Xồng Bá Dênh đã tiên phong xây dựng mô hình kinh tế cá nhân nhằm giúp thanh niên học tập và noi theo để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ cần cù, chịu khó và ham học hỏi, đến nay mô hình chăn nuôi của gia đình anh đã phát triển lên đến hơn 30 con trâu, bò, trừ chi phí các loại mỗi năm cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm. Cùng với đó, tận dụng quỹ đất của gia đình, Xồng Bá Dênh còn trồng thêm hơn 1,6ha gừng với tổng thu nhập bình quân hằng năm khoảng 60 - 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 - 20 người dân.

Đó là tấm gương của cô gái trẻ Lưu Thị Hòa, dân tộc Cờ Lao ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Với khát vọng làm giàu trên quê hương, Lưu Thị Hòa quyết tâm khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Mô hình “Po Mỷ Farmstay - Du lịch nông nghiệp gắn với nguồn tài nguyên bản địa DTTS Đồng Văn - Hà Giang” tạo ra một hình thức du lịch kết hợp ba yếu tố: Du lịch - văn hóa - nông nghiệp, mang lại doanh thu 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 12 thanh niên. “Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Cao nguyên đá còn nhiều gian khó, nên thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người dân. Tôi hy vọng hướng đi này sẽ giúp nền nông nghiệp quê hương phát triển, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho bà con”, Hòa chia sẻ.

Hay Lường Thị Giang, dân tộc Tày, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) với mô hình HTX Dịch vụ nông nghiệp, chuyên sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu. Sản lượng bán ra 200kg/ngày; 20.000 bịch phôi nấm/tháng. Mô hình cho doanh thu hằng năm trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 23 thanh niên. 

 Còn cô gái trẻ Đoàn Thu Trà, dân tộc Tày, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng (Cao Bằng) triển khai mô hình nông nghiệp: “Sản xuất dâu tây công nghệ cao và hoa hồng gắn với du lịch tâm linh - lịch sử chùa Viên Minh”. Đến tháng 6/2019, tổng diện tích canh tác của mô hình là trên 2 ha. Mô hình mang lại doanh thu 2,18 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 380 triệu đồng/năm.

Có thể thấy, trên cả nước ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại, hợp tác xã là người DTTS có tuổi đời còn rất trẻ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Họ là những nhà nông trẻ có thành tích sản xuất, kinh doanh tốt, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

“Nhiều bạn đã có những sáng kiến, sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá về những tấm gương tiêu biểu tại Lễ Trao giải Lương Định Của năm 2019 vừa qua.

Tin cùng chuyên mục
Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Theo UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), Ngày hội Nông sản lần thứ II sẽ diễn ra trong 3 ngày (16 - 18/5). Đây được đánh giá là ngày hội nông sản quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định, quy tụ 105 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương và một số huyện lân cận.