Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Từ Lễ Tuyên dương, nghĩ về đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số và miền núi

Thúy Hồng - 10:30, 13/01/2020

Những năm qua, bề dày thành tích của các em học sinh, sinh viên DTTS và miền núi tại các kỳ tuyên dương không ngừng tăng về số lượng và chất lượng. Đạt được kết quả đó là do các em được học tập rèn luyện tại các cơ sở đào tạo chuyên biệt, môi trường học tập đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như những phương pháp giảng dạy phù hợp.

Môi trường đào tạo chuyên biệt góp phần nâng cao chất lượng đào tạo học sinh DTTS và miền núi
Môi trường đào tạo chuyên biệt góp phần nâng cao chất lượng đào tạo học sinh DTTS và miền núi

Kết quả nổi bật

Gặp lại em Tráng Seo Ché, dân tộc Mông ở bản Mo 1, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên (Lào Cai) tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2019, khác với vẻ rụt rè khi còn là sinh viên, giờ đây Ché thể hiện phong thái tự tin là một kỹ sư. 

 Ché là một trong 166 em được vinh danh tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2018. Với thành tích học tập xuất sắc, ngay tại đêm Giao lưu “Kết nối - Hội tụ - Lan tỏa”, Tráng Seo Ché đã được Công ty cổ phần Nano Phạm Gia nhận vào làm việc.

“Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS thực sự rất ý nghĩa, là niềm vinh dự và tự hào cho học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS như chúng em. Với riêng em thì như mở ra một trang mới trong cuộc đời, giúp một sinh viên mới ra trường như em có được một công việt tốt. Lễ Tuyên dương là nguồn động viên, cổ vũ chúng em tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập, góp phần xây dựng quê hương, bản làng vùng cao”, Tráng Seo Ché xúc động nói.

Còn đối với em Hoàng Hải Hằng, dân tộc Tày, sinh viên Đại học Luật Hà Nội được tuyên dương tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2019 chia sẻ: Được tuyên dương là nguồn động viên rất lớn đối với các em, mang lại cho các em sức mạnh, động lực mới trên quãng đường phấn đấu phía trước.

Tâm sự của các em Tráng Seo Ché, Hoàng Hải Hằng… cho thấy chiều sâu đầy sức lan tỏa của Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu qua các kỳ tuyên dương do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. 

Qua các kỳ tổ chức, số lượng học sinh, sinh viên, thành phần dân tộc được tuyên dương luôn tăng lên, xuất hiện ngày càng nhiều học sinh thuộc các dân tộc rất ít người vượt khó học giỏi. Nếu như trong năm đầu tiên có 105 em được tuyên dương thì năm thứ hai có 78 em, năm thứ ba có 120 em, năm thứ tư có 137 em, năm thứ năm có 159 em và năm thứ sáu có 166 em, năm thứ 7 là 125 em. 

Bên cạnh đó, sự lựa chọn tiêu chí được tuyên dương đối với các em học sinh, sinh viên qua mỗi năm cũng có sự chọn lọc, rà soát, tiêu chí đạt được thành tích cao hơn những năm trước. Ví dụ như năm 2018, đối tượng tuyên dương là các em học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thì năm 2019, chỉ tuyên dương các em có thành tích đạt từ giải Nhất, Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. 

Sự tuyển chọn về số lượng và chất lượng qua các kỳ tuyên dương góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng giáo dục DTTS và miền núi.

Mở rộng hệ thống đào tạo chuyên biệt

Qua các lần tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm, có thể khẳng định, mô hình đào tạo chuyên biệt dành cho học sinh DTTS và miền núi đang mang lại những dấu ấn đậm nét. 

Minh chứng như, liên tục trong các kỳ tuyên dương, các trường đào tạo theo mô hình chuyên biệt như, Trường Vùng cao Việt Bắc; Trường Phổ thông DTNT tỉnh Nghệ An… có tỷ lệ học sinh được tuyên dương cao. Điển hình như Trường Vùng cao Việt Bắc trong năm 2018, có 14 em được tuyên dương vì đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; năm 2019, trong tổng số 15 học sinh DTTS trên toàn quốc được tuyên dương về thành tích đạt giải Nhất, Nhì học sinh giỏi quốc gia, thì 7 em là học sinh của Trường Vùng cao Việt Bắc.

Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Để chăm lo phát triển nguồn nhân lực DTTS, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng và tăng cường đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, số sinh viên người DTTS (đại học, cao đẳng) đạt từ 130 đến 150 sinh viên/vạn dân; nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực rất thấp đạt tối thiểu 130 sinh viên/vạn dân; phấn đấu đến năm 2030 đạt từ 200 - 250 sinh viên/vạn dân. 

Tuy nhiên, công tác giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Hệ thống trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục; nhiều địa phương vẫn thiếu hệ thống các trường đào tạo theo mô hình chuyện biệt dành cho học sinh DTTS.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có hơn 3.600 trường học ở vùng DTTS và miền núi, với hơn một nghìn trường PTDTBT, 2.273 trường phổ thông có từ 30 học sinh bán trú trở lên và 316 trường PTDTNT, trong đó, có 59 trường PTDTNT cấp tỉnh, 256 trường cấp huyện. Tuy nhiên mới chỉ có 03 trường PTDTNT trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây quả là con số khá khiêm tốn.

Chia sẻ quan điểm về phát triển nguồn nhân lực là người DTTS, tại cuộc họp tổng kết của Ban Chỉ đạo Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2019, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh đã nhấn mạnh, cần rà soát, củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTNT chuyên biệt dành cho học sinh DTTS theo hướng trường chuẩn quốc gia, coi đây như một trong những giải pháp nền tảng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.