Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Những người đưa đò thầm lặng

Thúy Hồng - Xuân Lương - 13:31, 12/11/2019

Những năm qua, chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi đã đạt được nhiều thành tích đáng mừng, nhiều em học sinh, sinh viên DTTS đã đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế… Có được kết quả đó không chỉ nhờ chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng nỗ lực học tập rèn luyện của các em học sinh mà còn có sự đóng góp to lớn, luôn chăm lo bồi đắp kiến thức của đội ngũ các thầy, cô giáo. Báo Dân tộc và Phát triển giới thiệu một số tấm gương thầm lặng của các thầy, cô giáo đối với với sự nghiệp “trồng người” vùng DTTS và miền núi.

Cô giáo Nguyễn Thanh Bình, Trường THPT Chu Văn Thịnh (Mai Sơn, Sơn La)
Cô giáo Nguyễn Thanh Bình, Trường THPT Chu Văn Thịnh (Mai Sơn, Sơn La)

Cô giáo Nguyễn Thanh Bình, Trường THPT Chu Văn Thịnh (Mai Sơn, Sơn La)

Là giáo viên đã có 18 năm giảng dạy tại ngôi trường có tỷ lệ học sinh là người DTTS chiếm 96% với nhiều thành phần dân tộc như Mông, Thái, Khơ-mú, Xinh Mun, Lô Lô… giao thông đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học ở trường nhiều... Vì vậy ngoài công tác giảng dạy kiến thức ở trên lớp cô cùng các đồng nghiệp của mình còn thường xuyên vượt qua quãng đường khoảng 3 - 4 tiếng đường rừng, qua những con dốc dài trơn trượt, có những khe núi chỉ cần xảy chân là lăn xuống vực sâu… để đến nhà vận động các em học sinh có ý định bỏ học tiếp tục đến lớp. 

Khó khăn vất vả như vậy nhưng cô vẫn luôn dành hết công sức cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng DTTS, cô luôn mong các em học sinh của mình được đến lớp để học tập, tiếp thu được kiến thức, góp phần xây dựng gia đình, quê hương giàu đẹp. Bằng sự tận tâm với nghề, tận tụy với học trò và luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, năm học 2017 - 2018, cô nhận Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”.

Cô Trần Thị Thảo, Trường PTDTNT số 1 tỉnh Nghệ An

Cô giáo Trần Thị Thảo Trường PTDTNT số 1 tỉnh Nghệ An.
Cô giáo Trần Thị Thảo Trường PTDTNT số 1 tỉnh Nghệ An.

Không phải là người miền núi nhưng năm 2003, sau khi tốt nghiệp ra trường cô Thảo lại gắn bó với môi trường giáo dục DTTS. Cô cho biết, là giáo viên công tác tại môi trường DTNT có nhiều em là học sinh DTTS nên cô luôn nhận thức được trách nhiệm của một người thầy đối với các em học sinh. Do học sinh đều là người DTTS nên đầu vào thấp hơn so với mức trung bình nên các cô luôn phải kiên trì dạy bảo các em rất nhiều, từng bước uốn nắn cho các em để các em đạt được những thành tích tốt trong học tập. Trong quá trình giảng dạy cô luôn nỗ lực cố gắng để truyền đạt những kiến thức cho các em học sinh của mình. 

Bên cạnh việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho các em thì do môi trường nội trú nên các cô luôn quan tâm dạy bảo từ nếp ăn ở cho các em học sinh luôn gọn gàng sạch sẽ. Cô cũng luôn mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục được quan tâm nhiều hơn nữa để những em học sinh DTTS nghèo hiếu học tiếp tục được học tập. Các em học sinh DTTS sau khi tốt nghiệp ra trường được tạo việc làm để củng cố tinh thần học tập cho thế hệ học sinh DTTS tiếp theo.

Thầy Phạm Ngôn, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Du, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk

Thầy Phạm Ngôn, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Du, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.
Thầy Phạm Ngôn, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Du, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.

Trong suốt 12 năm giảng dạy tại ngôi trường chuyên Nguyễn Du thầy là một trong những thầy giáo trực tiếp bồi dưỡng, ôn thi cho đội tuyển học sinh giỏi của Nhà trường, thầy đã rất nhiều lần trực tiếp luyện tập, giảng dạy cho các em học sinh DTTS thi học sinh giỏi đội tuyển các cấp. Nhiều em học sinh DTTS được thầy trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng đã đạt được thành tích cao tại các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia... Tiêu biểu như em Triệu Thế Phương học sinh dân tộc Dao đạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học, Huy chương Vàng môn Sinh học Cuộc thi vườn ươm tài năng do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán của giáo sư Ngô Bảo Châu tổ chức…

Thầy Ngôn cũng luôn mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa các em là học sinh DTTS được học tập tại các trường chuyên của các vùng miền trên cả nước. Tại đây các em sẽ có điều kiện học tập tại môi trường tốt nhất, góp phần tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS và miền núi.

Thầy Thạch Minh Trí, giáo viên Trường THCS&THPT DTNT thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng)

Thầy Thạch Minh Trí hướng dẫn học sinh học tập.
Thầy Thạch Minh Trí hướng dẫn học sinh học tập.

Thầy Thạch Minh Trí (SN 1985) sinh ra trong một gia đình người dân tộc Khmer có 3 thế hệ là nhà giáo ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Sau khi tốt nghiệp THPT, thầy chọn thi vào chuyên ngành Sư phạm Vật lý – Tin học của Trường CĐSP Sóc Trăng. Năm 2008, tốt nghiệp, thầy về nhận công tác tại Trường THCS&THPT DTNT thị xã Vĩnh Châu cho đến nay.

Thầy Trí chia sẻ: “Mục tiêu của tôi là làm sao tạo được động lực giúp các em học sinh DTTS ham học. Để làm được điều này, tôi đã mạnh dạn áp dụng việc đổi mới phương pháp như dạy học theo nghiên cứu bài học, dạy học theo chủ đề, dạy học phát huy tính tích cực của học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo... Từ đó, các em tích cực hơn trong học tập, thích thú, siêng năng, say mê khám phá và đạt kết quả cao trong học tập”.

Nhờ đó, nhiều năm liền học sinh của thầy đã đạt nhiều kết quả cao trong các kỳ thi như: Đoạt giải Ba, giải Khuyến khích cấp thị xã trong kỳ thi học sinh giỏi; đạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba cấp tỉnh trong cuộc thi phần mềm sáng thanh thiếu niên nhi đồng...

Bản thân thầy Thạch Minh Trí liên tục được công nhận là giáo viên giỏi các cấp; Chiến sĩ thi đua cơ sở; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; Bằng khen của Bộ giáo dục và Đào tạo và nhiều Giấy khen của các cấp.