Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tủ sách cơ sở: Vẫn còn xa bạn đọc

PV - 09:54, 24/06/2019

Từ lâu, tủ sách cơ sở được xem là địa chỉ văn hóa, giúp người dân tiếp cận các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, phong tục tập quán... Tuy nhiên trên thực tế, những năm gần đây, các tủ sách cơ sở trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chưa phát huy hiệu quả, chỉ phục vụ số ít độc giả. Một số nơi tình trạng tủ sách “đắp chiếu” vì thưa vắng độc giả.

Giáo viên, học sinh Trường THCS Bình An (Lâm Bình) tìm đọc sách tại tủ sách cơ sở của xã. Giáo viên, học sinh Trường THCS Bình An (Lâm Bình) tìm đọc sách tại tủ sách cơ sở của xã.

“Đìu hiu” như tủ sách xã

Nhằm xây dựng phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư mạng lưới tủ sách cơ sở tại các xã trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh có 134 tủ sách cơ sở đặt tại nhà văn hóa xã, thị trấn. Trong đó các huyện: Lâm Bình có 8 tủ sách/8 xã, Chiêm Hóa có 26 tủ sách/26 xã, Hàm Yên có 18/18, Na Hang có 12/12, Sơn Dương có 29/33, Yên Sơn có 26/31, TP. Tuyên Quang có 13/13 tủ sách.

Theo quy định, các tủ sách được đặt trong nhà văn hóa của xã, phường, thị trấn. Trung bình mỗi tủ sách có 150-200 bản sách, ngoài ra còn nhận được sách từ các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, thư viện tỉnh tặng. Hiện nay, tổng số sách có trong các tủ sách cơ sở là: 58.000 bản. Mạng lưới tủ sách cơ sở đã đưa thông tin, kiến thức kinh tế, văn hóa-xã hội đến với người dân, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số tủ sách chỉ phục vụ một lượng ít độc giả như: Cán bộ xã, đảng viên, cán bộ hưu trí, học sinh, còn phần lớn người dân ít tiếp cận với tủ sách. Điển hình tại xã Minh Dân, hơn 10 năm nay tủ sách được đặt tại nhà văn hóa nhưng nhiều người chưa biết đến sự có mặt cũng như lợi ích tủ sách mang lại. Chị Đặng Thị Poóng, thôn Đồng Mới cho biết, mình chỉ đến UBND xã để làm giấy tờ thủ tục, còn để đọc sách hay mượn sách thì mình chưa làm bao giờ. Mình cũng không nghe ai nói đến tủ sách của xã.

Anh Nguyễn Văn Hiệp, phụ trách tủ sách xã Thượng Giáp, huyện Na Hang nói: “Thi thoảng có cán bộ xã, học sinh đến đọc hoặc mượn về, còn bà con trong xã thì rất ít. Khoảng 3-4 tháng mới có một người tìm đến để mượn”. Hay tại xã Minh Dân, huyện Hàm Yên, chị Nguyễn Thị Hảo, cán bộ văn hóa xã thừa nhận rằng, do không thường xuyên có độc giả nên nhiều sách vẫn còn mới nguyên.

Hiện nay, tại Thư viện tỉnh Tuyên Quang có 37.054 bản sách chỉ sử dụng để luân chuyển đến thư viện các huyện. Theo đó, mỗi quý thư viện huyện sẽ thực hiện công tác luân chuyển tới các xã, nhưng thực tế công tác này ít được chú trọng. Hầu hết tại các huyện, mỗi năm cán bộ thư viện huyện luân chuyển sách cho các xã 1 lần, mỗi lần luân chuyển từ 150-200 bản sách/xã. Giải thích lý do không luân chuyển sách thường xuyên, chị Trần Thị Ngọc Liên, cán bộ thư viện huyện Chiêm Hóa bày tỏ, một số xã có địa bàn xa xôi, việc luân chuyển rất khó khăn. Hơn nữa, một số xã tủ sách cơ sở đã hư hỏng, công tác bảo quản giữ gìn sách còn hạn chế, lượng sách cũ chưa thu hồi được.

Bên cạnh đó, một số xã được luân chuyển sách thường xuyên nhưng do không có độc giả nên các tập sách vẫn được buộc gọn gàng thành từng bó chưa được xếp lên kệ.

Cán bộ, đảng viên tìm đọc sách tại tủ sách tại Nhà Văn hóa xã Đạo Viện (Yên Sơn). Cán bộ, đảng viên tìm đọc sách tại tủ sách tại Nhà Văn hóa xã Đạo Viện (Yên Sơn).

Để tủ sách thực sự là “cánh tay” nối dài

Tủ sách cơ sở chính là “cánh tay” nối dài của thư viện huyện, tỉnh, góp phần đưa thông tin đến bản làng vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, thực tế nhiều tủ sách vẫn chưa phát huy được hiệu quả mong muốn. Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chị Phạm Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay, do không có biên chế nên cán bộ quản lý tủ sách xã thường được giao cho cán bộ văn hóa xã kiêm nhiệm. Do khối lượng công việc nhiều, việc quản lý tủ sách cơ sở bị hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý tủ sách không có phụ cấp, nên hầu hết cán bộ còn thiếu nhiệt tình trong công việc.

Tại xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, từ năm 2010 đến nay, chị Ma Thị Kiều vừa là cán bộ văn hóa tỉnh Tuyên Quang kiêm cán bộ trông coi tủ sách xã. Chị bày tỏ: “Nhiều lúc bận công việc chuyên môn không trực được thường xuyên nên khó quản lý việc đóng mở cửa tủ sách. Hơn nữa, công việc này cần phải thực hiện hướng dẫn bạn đọc lựa chọn sách, quản lý, lau chùi, dọn dẹp tủ sách, bàn ghế phục vụ bạn đọc... nhưng phụ cấp không có”. Rõ ràng, cán bộ chủ yếu mang tính tạm thời “lấp chỗ trống”, thiếu chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, các thư viện xã đều mở cửa theo giờ hành chính, không hoạt động vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, trong khi đây mới là thời điểm học sinh, sinh viên được nghỉ học để ra đọc sách. Tại nhiều địa phương chưa xây dựng nội quy bạn đọc, quy chế quản lý, khai thác và sử dụng nên sách thường thất lạc…

Để thu hút bạn đọc, ngành chuyên môn cần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện, đặc biệt là kỹ năng giới thiệu, quảng bá sách, đi kèm với đó là chế độ đãi ngộ phù hợp để họ yên tâm công tác; tránh tình trạng luân chuyển cán bộ liên tục… Đồng thời, quan tâm, chú trọng công tác luân chuyển sách; thường xuyên kiểm tra công tác này, nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định và đạt hiệu quả. Các địa phương cần nâng cao chất lượng tủ sách cơ sở, xây dựng nơi đây thành địa chỉ tin cậy để cung cấp nguồn thông tin hữu ích trên mọi lĩnh vực cho đông đảo người dân.

GIANG LAM

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.