Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Từ xã "7 không" trở thành xã "nhiều có"

Hoàng Hà Thế - Ngọc Ánh - 15:46, 25/07/2021

Từ xã đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao… đến nay đời sống người dân ở xã Ea Lâm được nâng lên. Diện mạo xã Ea Lâm đã từng bước khởi sắc và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.

Một góc buôn Bưng xã Ea Lâm (Ảnh: H.H Thế)
Đường vào buôn Bưng xã Ea Lâm (Ảnh: H.H Thế)

Xã Ea Lâm thành lập năm 1994, là 1 trong 11 xã, thị trấn của huyện Sông Hinh (Phú Yên). Toàn xã Ea Lâm có 5 buôn (buôn Bai; Bưng A; Bưng B; buôn Gao và buôn Học), tổng dân số trên địa bàn xã có 660 hộ, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 90%. Từng được biết đến là “xã 7 không” nhưng đến thời điểm này diện mạo của Ea Lâm đã đổi thay vượt bậc.

Đi từ không đến có

Từ một xã đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao… đến nay đời sống của người dân Ea Lâm được nâng lên, nhiều hộ xóa được đói, giảm được nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Diện mạo xã Ea Lâm đã từng bước khởi sắc và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong thời gian tới.

Xã Ea Lâm từng được biết đến là “xã 7 không”: Không trụ sở, không điện, đường, trường, trạm y tế, không nước sạch, không công trình công cộng. Khi mới thành lập (năm 1994) cán bộ xã chỉ có 5 người, thì cả 5 đều chưa tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), chỉ có 1 người học xong lớp 8. Trụ sở xã, thôn thì chưa có, người dân muốn liên hệ với chính quyền phải tự đi tìm cán bộ, lúc ở ngoài rẫy, lúc ở nhà riêng… Nhưng hiện nay, diện mạo của xã đã đổi thay vượt bậc.

Con đường từ ngả rẽ trên Quốc lộ 29 hiện nay vào xã Ea Lâm (qua xã Ea Bá) có chiều dài hơn 17 km, trước kia là lối mòn do dân tự mở, chỉ là sỏi đá với những dốc cao, suối sâu thì giờ đây là con đường nhựa và những cây cầu kiên cố. Đặc biệt, hệ thống giao thông liên buôn đã được Nhà nước đầu tư bê tông hóa, điều người dân nơi đây phấn khởi là đã hoàn thành con đường đi vào khu sản xuất Ea Lâm, với chiều dài 4,36 km và tiếp tục đăng ký thêm 3,5km bê tông giao thông nông thôn thực hiện trong năm 2021.

Từ một xã không có lớp học, đến nay Ea Lâm đã có đầy đủ 3 bậc học từ mầm non đến THCS, những ngôi trường được xây dựng kiên cố, khang trang đúng tiêu chuẩn. Trạm Y tế xã có Trạm trưởng là y sĩ người DTTS; đội ngũ thầy thuốc tận tình, chu đáo không quản ngày đêm chữa bệnh cho Nhân dân…

Các hình thức canh tác lạc hậu được thay thế dần bởi những phương thức sản xuất thâm canh, trồng lúa nước và những loại cây có giá trị kinh tế cao, vì nay đã có trạm bơm cùng hệ thống kênh mương đưa nước về tận đồng ruộng. Điện thắp sáng, xe máy, tivi, máy cày và chợ… trước đây xa vời đối với đồng bào Ê Đê ở Ea Lâm, thì hôm nay đã hiện hữu.

Ông Trần Minh Khai, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm, khẳng định: “Có thể nói, với những chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng với sự đồng lòng của đồng bào Ê Đê đã tạo ra những đổi thay tích cực ở xã Ea Lâm, giúp “xã 7 không” năm xưa giờ đây thành vùng quê no ấm đúng nghĩa”.

Vượt khó xây dựng nông thôn mới

Hiện tại xã Ea Lâm đã đạt 14/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM, từ nay đến cuối năm 2021 xã phấn hoàn thành 2 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí tiếp tục thực hiện theo kế hoạch hằng năm. Qua trao đổi với lãnh đạo UBND xã, thì hiện nay cuộc sống của người dân ấm no hơn trước là nhờ vào chuyển đổi trồng cây lúa nước. Diện tích trồng lúa nước ở xã Ea Lâm có có 110,3 ha, sản lượng bình quân các vụ mùa đạt 63 tạ/ha.

Nhìn chung xã Ea Lâm có đổi mới và phát triển nhưng trong xây dựng NTM còn nhiều khó khăn phải tháo gỡ… đặc biệt các tiêu chí: Hộ nghèo, thu nhập, môi trường, mô hình Hợp tác xã… Lãnh đạo huyện và các ban ngành đoàn thể sẽ quan tâm chỉ đạo xã Ea Lâm tiếp tục triển khai để xã đạt NTM trong thời gian sớm nhất.



Ông Ksor Y PhunPhó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh

Ông Ma Xanh (61 tuổi) ở buôn Học chia sẻ: “Trước đây đời sống của bà con dựa vào nuôi bò và trồng bắp, đất bỏ hoang nhiều vì cằn cỗi, không có nước tưới. Từ khi có công trình kênh mương thủy lợi, nước về tới chân ruộng. Bà con lại được hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, nhờ thế mà nhà nào cũng đầy lúa, không còn lo đói cái bụng. Như nhà tôi, được xã hỗ trợ vốn, truyền đạt kỹ thuật sản xuất, với 5 sào đất, tôi chỉ trồng lúa nước kinh tế gia đình đã ổn định, không còn lo cái ăn từng bữa như trước”.

Các Chương trình 135, xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo đã góp phần đưa Ea Lâm phát triển. Riêng từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn các chương trình này, UBND xã triển khai nhiều mô hình sản xuất đã đưa được giống cây, con mới vào sản xuất, làm đa dạng cây trồng vật nuôi; đặc biệt giúp bà con thay đổi thói quen canh tác cũ, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Ông Ma Chép ở buôn Bai nhìn nhận: “Ðời sống người dân phát triển, hầu như gia đình nào ở xã Ea Lâm cũng đều có tivi, xe máy, có nhà mua máy cày. Các công trình nước sạch, các giếng đào ở các buôn đã đáp ứng yêu cầu nước sinh hoạt của người dân. Nhà cửa được chỉnh trang, xây mới, diện mạo làng buôn ngày càng khởi sắc. Bà con chúng tôi rất phấn khởi trước sự phát triển của địa phương”.

 Chăn nuôi gia súc ở Ea Lâm phát triển mạnh. (Ảnh H.H Thế)
Chăn nuôi gia súc ở Ea Lâm phát triển mạnh. (Ảnh H.H Thế)

Chị Hờ Dưng ở buôn Chao, phấn khởi khoe: Từ ngày xã triển khai xây dựng NTM, bà con có điều kiện phát triển sản xuất. Đường mở rộng, nông sản được thu mua kịp thời. Gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi, không thả rông như trước nữa. Ngoài nuôi heo, gia đình còn cải tạo hơn 0,5 ha ao nuôi cá. Với hơn 50 con heo, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu được khoảng hơn 100 triệu đồng.

“Có giai đoạn hộ nghèo trong xã chiếm trên 50%, thu nhập người dân chỉ 9 - 10 triệu đồng/người/năm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người tăng lên đạt 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ giảm nghèo 12,36%/năm. Chúng tôi quyết tâm phấn đấu đạt các tiêu chí còn lại để sớm về đích NTM”, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm Trần Minh Khai khẳng định./.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.