Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Phú Yên: Hỗ trợ sinh con đúng chính sách dân số - Hiệu quả chưa cao

Thành Nhân - 11:11, 12/04/2021

Triển khai Nghị định 39/2015/NÐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số (NĐ39), Phú Yên đã có 738 người sinh sống tại 31 xã thuộc 6/9 huyện được hỗ trợ. Tuy nhiên, do còn mang tư tưởng thích đông con nên việc triển khai chính sách hỗ trợ này chưa thực sự hiệu quả.

Tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ miền núi
Tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ miền núi

Theo NĐ39, phụ nữ người DTTS hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người DTTS thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc) khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người trong tháng đầu sau sinh con. Người thụ hưởng tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ.

Còn mang nặng tư tưởng đông con 

Từ năm 2016, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã tham mưu Sở Y tế triển khai NĐ39. Theo ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên), Chi cục đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 219 cán bộ thuộc UBND cấp xã (năm 2016) và 4 lớp tập huấn cho 210 cộng tác viên DS-KHHGĐ (năm 2019) hướng dẫn về công tác rà soát, xác minh đối tượng; lập hồ sơ, trình tự thủ tục theo quy định. 

Đồng thời, tổ chức 4 lớp tuyên truyền về chính sách hỗ trợ theo NĐ39 cho 169 đối tượng phụ nữ đã nhận hỗ trợ thực hiện đúng chính sách quy định của Nhà nước, tại các xã thuộc huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh.

Thực tế cho thấy,  Việc thực hiện NĐ39, đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm tỉ lệ sinh con thứ ba trên địa bàn, đồng thời tăng tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, giảm tỉ suất sinh. Đặc biệt là phụ nữ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Từ đó, giúp đồng bào DTTS cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe, có điều kiện để tập trung phát triển sản xuất, nuôi dưỡng và chăm sóc con tốt hơn. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn. Theo chị Văn Thị Gái, cộng tác viên dân số thôn Suối Biểu (xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh), tập tục về sinh đẻ của đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi có nhiều khác biệt so với bà con đồng bằng. Họ thích sinh nhiều con cho đông vui nên không thực hiện đúng quy định. 

Như trường hợp của Mí Hưn, ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Khi được vận động, chị đồng ý chỉ sinh 2 con, không sinh thêm và đã được nhận tiền hỗ trợ. Nhưng một thời gian sau, lại đem tiền ra xã trả lại, vì muốn sinh thêm con. Đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có 6 trường hợp bị thu hồi tiền hỗ trợ do vi phạm chính sách, sinh thêm con thứ ba.

Các cấp ngành cùng chung tay tuyên truyền để nâng cao chất lượng dân số ở miền núi Pú Yên
Các cấp ngành cùng chung tay tuyên truyền để nâng cao chất lượng dân số ở miền núi Pú Yên

Tuyên truyền hướng đến đối tượng cụ thể

Trong thời gian triển khai NĐ39 vẫn gặp một số bất cập như, Nghị định chưa có quy định cụ thể về đối tượng là người DTTS đã kết hôn, nhưng thuộc diện tảo hôn. Vì vậy, trong quá trình xác minh đối tượng còn gặp nhiều khó khăn. Một số đối tượng đủ điều kiện theo các quy định, nhưng không chấp nhận thực hiện chính sách hỗ trợ, vì họ muốn sinh thêm con thứ ba trở lên.

Hiện nay, nhận thức của các đối tượng về chính sách DS-KHHGĐ còn hạn chế, người dân còn có tư tưởng sinh nhiều con, còn phân biệt về giới tính. Do vậy, trong quá trình làm tờ khai, điều kiện đối tượng thụ hưởng phải cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả kinh phí đã nhận, nên một số cặp vợ chồng người DTTS ngại không dám đăng ký. Công tác phối hợp với các sở, ngành và địa phương trong quá trình triển khai chưa chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên nên tiến độ thực hiện chính sách còn chậm.

Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Phú Yên chia sẻ: Để thực hiện tốt NĐ39, cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh kịp thời. Cán bộ làm công tác tuyên truyền phải chú trọng giải thích cho người dân hiểu rõ các nội dung của Nghị định này; tập trung vào các đối tượng chưa đồng ý nhận kinh phí hỗ trợ, nhất là các đối tượng đã sinh đủ 2 con, giúp họ hiểu được lợi ích của việc sinh con đúng chính sách dân số và các chế độ hỗ trợ.

Tin cùng chuyên mục
Trao tặng hơn 300 triệu đồng cho phụ nữ và học sinh vùng biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế

Trao tặng hơn 300 triệu đồng cho phụ nữ và học sinh vùng biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 25/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại xã Hồng Thượng (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).