Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Tưởng niệm và cầu siêu cho nạn nhân Covid-19: Truyền thống tốt đẹp của dân tộc luôn được khẳng định, vun bồi trong mọi hoàn cảnh

Trần Kiều - 17:15, 19/11/2021

Vào 20h tối nay (19/11), tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước sẽ đồng loạt thỉnh chuông và thắp nến, dâng hương, tưởng niệm, cầu siêu cho đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Việc làm này được đánh giá mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc; thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào, một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam .

Các chư tôn đức tăng cùng đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, đại diện các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh thực hiện nghi lễ niệm hương cầu siêu tưởng niệm cho các nạn nhân tử vong do dịch Covid-19
Các chư tôn đức tăng cùng đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, đại diện các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh thực hiện nghi lễ niệm hương cầu siêu tưởng niệm cho các nạn nhân tử vong do dịch Covid-19

Từ khi bùng phát đến nay, đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều mất mát cho nhân loại. Tại Việt Nam, theo thống kê trên Cổng thông tin của Bộ Y tế về đại dịch Covid-19, tính đến 11h ngày 19/11, đã có 23.476 người mất vì dịch bệnh này. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 còn để lại rất nhiều hậu quả đau thương cho những người ở lại.

Nhằm chia sẻ, động viên trước những mất mát, đau thương ấy, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 vào lúc 20 giờ ngày 19/11.

Theo sư thầy Thích Đạo Thiện (chùa Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều chúng sinh và đó là điều mà không ai mong muốn. Lễ tưởng niệm cầu siêu, là lời báo ân, hồi hương công đức với người đã mất vì Covid-19. Phật giáo mong muốn để các nạn nhân được siêu thoát về cảnh giới an lạc; xoa bớt đi phần nào nỗi đau của những người ở lại, giúp họ tiếp tục vững tin vào những điều tốt đẹp của cuộc đời.

“Mỗi một người ra đi là lời nhắn cho người ở lại. Đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại những ngày đau thương của dịch bệnh, để biết quý trọng cuộc sống an lành hiện tại, sống có ích hơn trong tương lai. Hôm nay, cùng với tất cả mọi người trên khắp đất nước, chúng ta sẽ cùng nhau nguyện cầu cho những nạn nhân xấu số ấy được chuyển kiếp siêu sinh, được siêu độ thanh thản về cõi vĩnh hằng”, sư thầy Thích Đạo Thiện chia sẻ.

Cùng cảm xúc trước buổi Lễ tưởng niệm, cầu siêu, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ: Trong đau thương chúng ta thấy rõ nhất tình thương yêu, đùm bọc. 160 ngày chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vừa qua, là những ngày cả nước cùng căng mình, nín thở dõi theo và sẻ chia, đồng lòng cùng TP. Hồ Chí Minh. Hơn 23.000 đồng bào đã mất. Đó thực sự là tổn thất và mất mát vô cùng to lớn, là nỗi đau thương của tất cả chúng ta, nhất là những gia đình có người thân bị mất do dịch Covid-19.

Theo Thượng tọa, Phật giáo với sứ mệnh cứu khổ chúng sinh trên cả hai phương diện độ sinh và độ tử, đã không thể đứng ngoài nỗi đau chung của đồng bào. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hướng dẫn và kêu gọi các chùa tổ chức cầu siêu, tiếp nhận tro cốt miễn phí với tinh thần từ bi, cứu khổ, độ sinh cho tất cả mọi người. Với người bệnh và những người trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến thu dung; Tăng ni, Phật tử các chùa đã ủng hộ nhu yếu phẩm, các suất cơm yêu thương, trang thiết bị y tế, bình oxy, túi thuốc F0, túi an sinh phát cho người dân. Các Tăng ni cũng chăm sóc bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến, cặm cụi với những suất cơm đong đầy yêu thương kịp gửi tới các khu cách ly.

Không chỉ vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn tổ chức các khóa tu ngày an lạc, khóa tu thiền Online để trị liệu tinh thần cho những người bị ảnh hưởng, sang chấn tâm lý do dịch bệnh và thời gian giãn cách quá dài...

“Dịch bệnh đem đến vô vàn đau khổ, mất mát không gì bù đắp được, nhưng cũng chính trong đau thương, chúng ta thấy rõ nhất tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau thật cảm động của người Việt. Đó là niềm an ủi và sức mạnh lớn cho tất cả người Việt cùng vươn mình đứng dậy hôm nay”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Là người có nhiều năm giảng dạy về tôn giáo, tín ngưỡng, TS. Vũ Trường Giang, Trưởng khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực I chia sẻ: Lễ tưởng niệm, cầu siêu chính là việc làm thể hiện sự tiếp nối truyền thống đoàn kết cộng đồng của dân tộc. Với những người không may qua đời vì dịch bệnh, tai nạn hay thiên tai bão lũ, chúng ta làm tưởng niệm như một sự tưởng nhớ; đồng thời cũng là chia sẻ với nỗi đau mất mát với thâm nhân của họ; tăng cường sự kết nối, đoàn kết cộng đồng cùng vượt qua khó khăn.

Theo TS. Vũ Trường Giang, trong tôn giáo tín ngưỡng có những nghi lễ được thực hiện đã và đang góp phần làm tăng cường thêm sức mạnh cho những người đang sống; giúp họ có thêm điểm tựa niềm tin để vượt qua những nỗi sợ, cảm thấy an lành hơn trước những trắc trở, tác nhân bên ngoài trong cuộc sống và trở nên sống thiện hơn.

Tin cùng chuyên mục
Gỡ khó cho Quỹ phát triển đất

Gỡ khó cho Quỹ phát triển đất

Quỹ phát triển đất là chính sách sử dụng nguồn tiền từ sử dụng đất và huy động những nguồn khác, phục vụ quá trình đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, ở các địa phương miền núi, việc khai thác nguồn quỹ này khá khó khăn.