Nhiều ha đất nông nghiệp bị cuốn trôi do sạt lở…
Xã Đức Hóa, là một trong 9 xã của huyện Tuyên Hóa nằm trên vùng thượng nguồn Sông Gianh. Mỗi năm khi mùa mưa bão đến gần, người dân nơi đây lại thon thót nỗi lo sạt lở thường trực ngày đêm do nước sông Gianh chảy xiết, xoáy vào bờ, cuốn theo nhiều đất đai, cây cối.
Đợt lũ kép 2016, bờ sông Gianh tại xã Đức Hóa bị sạt lở nghiêm trọng, có những điểm tình trạng sản lở đã “ăn” sâu vào sát mép nhà dân. Cứ như vậy, năm sau tình trạng sạt lở càng trở nên nghiêm trọng hơn năm trước. Đợt lũ năm 2020, tình trạng sạt lở đã lấn sát vào nhà của 8 hộ dân, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến 78 hộ/364 nhân khẩu ở thôn Đức Phú 1.
Cứ như vậy đến nay, nước đã “ăn” sâu vào sát nhà dân, de dọa trực tiếp đến đời sống của hàng chục hộ dân sống gần ở sông Gianh. Bên cạnh nguyên nhân do thời tiết, khí hậu, hiện tượng sạt lở bờ sông Gianh ngày càng trở nên nghiêm trọng, còn bởi nhiều người dân lấy đất bãi để làm đất sản xuất nhưng chưa có ý thức trồng cây chống xói lở. Việc khai thác cát sạn tràn lan ở lòng sông, cũng là nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ…
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Đức Hoá, 6/11 thôn nằm dọc bờ sông Gianh đều bị sạt lở. Trong đó, có hơn 30 hộ ở các thôn Kinh Trừng và Phúc Tùng 1, Đức Phú 1 cần phải di dời khẩn cấp, vì bờ sông đã “ăn” vào sâu nhà dân.
Chỉ tay về phía bờ sông, ông Mai Tân, một người dân ở thôn Đức Phú 1 lo lắng cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông Gianh diễn ra nhanh trong 2 năm lại đây. Sợ bị trôi mất nhà nên gia đình tôi đã phải tự đổ đất đá xuống bờ sông để ngăn sạt lở đất, nhưng cũng chỉ là ném đá ao bèo, chỉ là giải pháp tạm thời. Chỉ cần mưa lớn, nguy cơ sạt lở đối với nhà tôi chắc chắn xảy ra. Chúng tôi mong chính quyền địa phương sớm vào cuộc để hỗ trợ cho người dân...”
Không riêng gì ở xã Đức Hóa, hầu hết 9 xã của huyện Tuyên Hóa nằm bên bờ sông Gianh, đều có chung tình trạng sạt lở đất. Trong đó, tình trạng này xảy ra nghiêm trọng nhất ở các xã Thuận Hóa, Đức Hóa, Tiến Hóa, Thạch Hóa, nhiều ha đất nông nghiệp đã bị cuốn trôi, nhiều hộ gia đình đã phải dời khỏi vùng trọng yếu để bảo đảm an toàn…
Chống sạt lở cần phải có một giải pháp đồng bộ
Trước tình trạng sạt lở bờ sông Gianh xảy ra tại huyện Tuyên Hóa, chính quyền địa phương đã đầu tư, xây dựng nhiều đoạn kè chống sạt lở tại nhiều xã; di dời dân cư ra khỏi vùng trọng yếu. Riêng tại xã Đức Hóa, một trong những địa phương có tình trạng sạt lở diễn ra phức tạp, nguy hiểm, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lên phương án xây dựng kè đê sông Gianh dài khoảng 1km, với tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, đoạn đê kè bờ sông Gianh qua xã Đức Hóa vẫn chưa được thi công, trong khi mùa mưa bão đã đến.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết: “Hiện, địa phương đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho đoạn đê kè này. Tôi và người dân mong muốn các cấp, các ngành sớm đưa công trình vào thi công, hoàn thành để Nhân dân yên tâm, ổn định cuộc sống”.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông Gianh diễn ra ở Tuyên Hóa, chúng tôi đã nắm được và cũng đã có phương án để xử lý. Hiện, Trung ương đã cấp cho tỉnh 73 tỷ đồng để xây dựng đê kè ở các địa phương trong tỉnh, bảo đảm an toàn cho Nhân dân. Chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục theo luật đầu tư để tiến hành xây dựng công trình”.
Tình trạng sạt lở bờ sông Gianh tại xã Đức Hóa nói riêng và các xã nằm trên lưu vực Sông Gianh của huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình nói chung đã và đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Tình trạng này, đã gây tâm lý lo sợ cho bà con cũng như gây thiệt hại lớn về đất đai, tài sản của Nhân dân. Chống sạt lở để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, bảo vệ đất canh tác đang là cuộc chiến cam go, phức tạp và lâu dài.
Trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần phải có chiến lược cụ thể để khơi thông dòng chảy hạ lưu, xây dựng các công trình kiên cố, gia cố bờ sông có nguy cơ sạt lở, tăng cường quan trắc và giám sát việc khai thác cát sạn trên sông... nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở trên sông Gianh hiện nay.