Tập trung thu hút nguồn đầu tư vốn FDI
Thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025… Đồng thời bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản hướng dẫn của Trung ương, nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023 theo hướng, tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài theo hướng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, chọn lọc, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.
Theo đó, kế hoạch triển khai thực hiện đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, tỉnh đề ra mục tiêu sẽ thu hút 25.000 tỷ đồng vào xây dựng khu đô thị, khu dân cư; 9.000 tỷ đồng đầu tư vào công nghiệp; 5.600 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, bến xe, bến cảng, bến thủy nội địa; 5.300 tỷ đồng đầu tư dịch vụ thương mại, du lịch; 2.500 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực thể thao; 2.000 tỷ đồng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và 970 tỷ đồng đầu tư vào y tế, giáo dục, môi trường. Tổng nguồn vốn thu hút đầu tư khoảng 45.000 - 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng.
Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai một số dự án lớn ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ như: Khu du lịch sinh thái và dịch vụ thể thao Sơn Dương của Tập đoàn FLC và Khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm của Tập đoàn Vingroup. Các dự án đi vào hoạt động, đóng góp lớn vào ngân sách như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa 396 tỷ đồng/năm, Nhà máy gang thép Tuyên Quang gần 94 tỷ đồng/năm, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang 45 tỷ đồng... Những dự án này, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 25-30 nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ưu tiên thu hút các đối tác có tiềm năng
Bên cạnh việc chú trọng triển khai một số dự án lớn ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tỉnh Tuyên Quang cũng đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư với các đối tác có năng lực tài chính lớn, có kinh nghiệm như: các tập đoàn, tổng công ty; các công ty có hệ thống kinh doanh trên cả nước; các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Theo đó, Tuyên Quang phấn đấu trong năm 2023, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách sẽ đạt 10.000 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2022.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư, Tuyên Quang đang nỗ lực xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực, tập trung vào những sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị hàng hóa có lợi thế, có tiềm năng đầu tư thành vùng hàng hóa tập trung của tỉnh như: Chuỗi giá trị cây công nghiệp cam, chè, mía, dược liệu, cây lâm nghiệp. Các sản phẩm du lịch lịch sử sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, các dự án công nghiệp chế biến sâu, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật... Tăng cường tính liên kết, kết nối với các địa phương lân cận, đặc biệt với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và Vùng Đồng bằng sông Hồng để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đổi mới, sáng tạo, có tính lan tỏa và giá trị gia tăng lớn....
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang cũng đã chủ động gắn kết các hoạt động quảng bá hình ảnh tốt đẹp về đất và con người Tuyên Quang thông qua việc tổ chức các chương trình sự kiện văn hóa nghệ thuật, hội nghị, hội thảo, hội chợ…
Nhấn mạnh về chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang khẳng định, trong thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tập trung thu hút đầu tư vào ba vấn đề chính, bao gồm: Đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phù hợp định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh, có số thu ngân sách lớn; Quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên thu hút các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt, dự án thu gom, xử lý nước thải, rác thải đô thị, rác thải trong khu công nghiệp; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích gắn phát triển chăn nuôi với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; Đặc biệt, Tuyên Quang sẽ ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế...