Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tuyên Quang: Đôi điều về homestay

PV - 11:24, 05/12/2018

Tuyên Quang là mảnh đất có bề dày văn hóa và lịch sử. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác hình thức du lịch trong đó có loại hình du lịch cộng đồng homestay. Tuy nhiên hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có.

homstay Du khách nước ngoài tại một homestay ở huyện Lâm Bình. (Ảnh Hoàng Niềm).

Hướng đi nhiều  triển vọng

Tuyên Quang là địa bàn cư trú của 22 dân tộc, với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Các sản phẩm du lịch nổi trội ở đây là du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, lễ hội. Nhiều điểm đến thu hút đông du khách như: di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Ba Bể-Na Hang, thác Bản Ba,.. Theo thống kê, năm 2017, tỉnh đã đón 1.590.900 lượt khách tới tham quan.

Toàn tỉnh hiện có 35 hộ gia đình phát triển dịch vụ homestay, tập trung chủ yếu tại các huyện Lâm Bình, Sơn Dương, Na Hang, Yên Sơn với một số điểm như: điểm du lịch Làng văn hóa-du lịch thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương), điểm du lịch thôn Nà Tông, thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm; Điểm du lịch thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà; Điểm du lịch thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình),… Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng dịch vụ này, toàn tỉnh đã thu hút trên 20 nghìn lượt khách du lịch, góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Chị Bùi Thị Thu (Hà Nội), người đã sử dụng dịch vụ homestay khu du lịch tại thôn Nà Khá, xã Năng Khả, Na Hang cho biết, chị rất hài lòng khi chọn homestay trong chuyến du lịch tháng 9 vừa rồi. Chị được tham quan cảnh đẹp lòng hồ Na Hang, thưởng thức ẩm thực đặc trưng như: ốc núi, rau dớn, rượu ngô…; được sống với đồng bào, khám phá nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Tày. “Đây là những trải nghiệm vô cùng thú vị, hấp dẫn với tôi và bạn bè. Đây sẽ là điểm đến của tôi và gia đình những kỳ nghỉ sau”, chị Thu cho hay.

Với nhân lực lao động trong ngành lên đến 13.000 người tại tỉnh, phát triển du lịch homestay thực sự có thể trở thành một hướng đi giàu tiềm năng cho đồng bào dân tộc nơi đây. Hiệu quả của nó không chỉ giúp người đi du lịch được trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực, giao lưu văn hóa mà còn giúp người dân địa phương có cơ hội giao lưu, tiếp cận với những nền văn minh của những vùng miền khác trong nước và trên thế giới. Hơn nữa, nó góp phần không nhỏ để xoá đói giảm nghèo cho người dân, bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, là hướng du lịch phát triển bền vững.

homestay Homestay Hoàng Tuấn, huyện Lâm Bình, một trong những điểm đến quen thuộc của du khách.

Để tiềm năng không ngủ quên

Tuy nhiên, ở Tuyên Quang loại hình du lịch homestay chưa được khai thác hiệu quả. Mặc dù giàu triển vọng, nhưng khai thác dịch vụ homestay tại Tuyên Quang vẫn tồn tại nhiều khó khăn cần giải quyết, khi hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất du lịch ở một số điểm du lịch tại các thôn, bản làm du lịch cộng đồng còn khó khăn, kinh phí hỗ trợ, đầu tư, công tác xã hội hóa các hoạt động du lịch phục vụ khách còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, nhận thức về du lịch của đồng bào còn chưa được đầy đủ, do nguồn nhân lực tham gia làm du lịch chưa được đào tạo bài bản, kỹ năng giao tiếp ứng xử, tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch chưa cao, trình độ ngoại ngữ còn kém.

Hầu hết các hộ kinh doanh mới chỉ dừng lại ở hai hình thức: thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ. Cần nhìn nhận thẳng thắn, các dịch vụ du lịch cộng đồng ở Tuyên Quang còn sơ sài, thiếu sáng tạo, chưa thực sự hấp dẫn để tạo dựng được thương hiệu bền vững trong lòng du khách. Mức độ tham gia của cộng đồng vẫn chỉ ở mức cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, bài bản.

Tuy không có một hình mẫu cụ thể áp dụng cho tất cả homestay ở các vùng miền, song vẫn cần có những tiêu chí nhất định. Các dịch vụ đi kèm homestay cần được triển khai hiệu quả hơn như: quà lưu niệm, ăn uống, giải trí, trải nghiệm các nghề nông nghiệp, thủ công nghiệp; Khám phá di sản văn hóa dân tộc, các lễ hội truyền thống, đồng thời nên xây dựng mô hình tiêu thụ sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với du lịch.

Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang đang phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với tỉnh về xây dựng quy hoạch, phát triển dịch vụ homestay, tạo điều kiện cho loại hình dịch vụ này ngày càng phát triển, phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt là tại các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế.

Có thể thấy, tính bền vững trong việc phát triển du lịch cộng đồng là một thách thức lớn không chỉ trong thời điểm hiện nay, mà còn cả trong tương lai nếu không có những giải pháp đồng bộ, phù hợp. Đây vừa là cơ hội, cũng là thách thức với ngành du lịch tỉnh để tìm kiếm những giải pháp mang tính chất lâu dài cho phát triển homestay.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.