Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Tuyên Quang: Nỗ lực để bảo đảm an ninh nguồn nước

Hoàng Quý - 20:31, 07/09/2021

Tuyên Quang là địa phương có nguồn tài nguyên nước dồi dào, với mạng lưới sông, suối khá dày đặc và chế độ thủy văn của sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Ngoài ra, địa phương còn có trên 500 sông ngòi nhỏ và trên 2.000 ao hồ có ảnh hưởng lớn đến nguồn nước mặt, nước ngầm. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang luôn đẩy mạnh giải quyết các vấn đề về bảo đảm nguồn nước cho người dân.

Người dân Tuyên Quang tham gia dọn vệ sinh khu vực lòng suối bảo đảm an ninh nguồn nước
Người dân Tuyên Quang tham gia dọn vệ sinh khu vực lòng suối bảo đảm an ninh nguồn nước

Mới đây, niềm vui đã đến với người dân thôn Toại, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, khi mà công trình nước sạch, phục vụ cho hơn 170 hộ gia đình trong thôn được hoàn thiện. Được biết, trước đây người dân thôn Toại phải dùng nguồn nước từ những khe suối, nay có nước sạch nên ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Ông Triệu Văn Giáp, Trưởng thôn Toại chia sẻ: “Mùa khô thì cả bản không đủ nước dùng, mùa mưa thì nước rất đục, không hợp vệ sinh. Giờ đây, chúng tôi có nước sạch dẫn về từng nhà, không phải lo thiếu nước sinh hoạt nữa, có nhiều thời gian để tập trung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”.

Việc công trình được đưa vào sử dụng, đã góp phần nâng tổng số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của thôn Quan và thôn Toại (xã Hùng Lợi) lên 100%. Để phát huy hiệu quả lâu dài công trình, xã đã chỉ đạo các bản tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, vận hành công trình; thực hiện tốt việc khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn để bảo đảm nguồn nước lâu dài.

Được biết, đây chỉ là một trong những công trình được đầu tư xây dựng theo Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, với quy mô đấu nối đến 9.869 hộ gia đình và tổ chức. Mục tiêu đến năm 2022, Trung tâm mở rộng quy mô đấu nối lên trên 13.000 hộ và tổ chức.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tuyên Quang, tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, hiện nay chưa được quan tâm và bảo vệ hiệu quả, hiện tượng ô nhiễm, lấn chiếm bờ sông, hồ vẫn diễn ra; chất lượng nước ở một số nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm, suy thoái. 

Cùng với các tác động của biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, nhu cầu khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất, đời sống… khiến nguồn tài nguyên nước tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị suy giảm, ô nhiễm.

Tại con suối 1 chảy qua địa phận thôn 3, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, trước đây rất rộng, là nguồn nước chủ yếu phục vụ người dân địa phương. Nay, con suối đã trở thành bãi rác, khi một số hộ gia đình mang chất thải đến đổ vào lòng suối, khiến nguồn nước bị ô nhiễm, không ai dám sử dụng. 

Hay như tại hồ thủy lợi Hố Chẹo (Yên Sơn), với diện tích 6 ha thuộc địa bàn xã Nhữ Hán, chất thải chăn nuôi của một số hộ dân sống quanh khu vực, cũng đang dồn xuống ngày một nhiều, nếu không có biện pháp ngăn chặn, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hoàn toàn có thể xảy ra.

Tỉnh Tuyên Quang quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước
Tỉnh Tuyên Quang quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước

Ông Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Tuyên Quang cho biết, trước thực trạng trên, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước; thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất, tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước…

Theo đó, tỉnh đang thực hiện lập hành lang bảo vệ 78 nguồn nước, trong đó có 67 nguồn là suối, còn lại là sông và ngòi. Cụ thể, huyện Na Hang có 5 nguồn, Lâm Bình có 13 nguồn, Chiêm Hóa có 24 nguồn, Hàm Yên 5 nguồn, Yên Sơn 18 nguồn, TP. Tuyên Quang 3 nguồn, Sơn Dương 10 nguồn. Các nguồn nước này, chủ yếu là nguồn cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, trục thoát nước cho khu tập trung dân cư tại các địa phương...

Cùng với tăng cường quản lý nhà nước, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phát huy vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động cấp nước, xả thải vào nguồn nước của các tổ chức, cá nhân...

Tin cùng chuyên mục