Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Tuyên Quang: Nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục

Việt Hà - 11:28, 27/11/2020

Xác định phát triển giáo dục là một trong những tiêu chí then chốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để có bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục.

Lễ đón học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Đà Vị, huyện Na Hang. (Ảnh: Huy Hoàng)
Lễ đón học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Đà Vị, huyện Na Hang. (Ảnh: Huy Hoàng)

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 14.000 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong đó, 100% đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đạt trên chuẩn là 56,7%. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 toàn tỉnh đạt 98,11%. Trong đó, phải kể đến những đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tác chỉ đạo, điều hành; việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh đi vào chiều sâu... Nhờ đó, kết quả thi tốt nghiệp với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đã tăng 10 bậc so với năm 2019, điểm trung bình các môn thi năm 2020 tăng 0,42 - 1,44 điểm so với kỳ thi năm trước; tỷ lệ các môn Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý vượt điểm trung bình của cả nước...

Với sự ủng hộ tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, ngành GD&ĐT tỉnh đã triển khai hiệu quả việc quy hoạch, sắp xếp lại các trường học gắn với bố trí cán bộ, giáo viên cho phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng giáo viên các cấp học, chuẩn bị các điều kiện cho chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Trong năm học 2019 - 2020, đã có hơn 13.000 lượt cán bộ, giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác quản lý và quản trị nhà trường, chương trình giáo dục STEM (viết tắt của các từ Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật) và Math - Toán học) và chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa lớp 1… 

Cùng với đó, tỉnh triển khai các phương pháp dạy học vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn nhằm hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học; cách khơi dậy trong học sinh khả năng sáng tạo. Từ đó, xây dựng các tiết học theo phong cách học tập mới, học sinh là trung tâm, giáo viên là người định hướng nhằm phát huy hết năng lực người học…

Tính đến năm 2020, toàn tỉnh cũng bố trí sắp xếp, dồn ghép được 246 điểm trường lẻ về điểm trường chính, do đó giảm được 141 biên chế giáo viên, giúp tinh gọn được số lượng người làm việc tại các cơ sở giáo dục.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi

Thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh, toàn ngành đã dốc sức huy động các nguồn lực và nhận được sự ủng hộ tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tính đến ngày 31/7/2020, toàn tỉnh đã huy động được 11.910/36.738 trẻ đi nhà trẻ, đạt tỷ lệ 32,4%, tăng 9,3% (2.712 trẻ) so với năm học trước. Nhờ đó, đã duy trì vững chắc công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh.

Với nhiều đổi mới tích cực, công tác GD&ĐT trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố, phát triển ở tất cả các bậc học từ mầm non đến đại học. Toàn ngành GD&ĐT đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu thi đua, nhiều tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng. 

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Minh Anh Tuấn, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là chất lượng giáo dục chưa đồng đều. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường ở hầu hết các huyện còn thấp. Bên cạnh đó, năng lực một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu về đổi mới công tác quản lý và dạy học, đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng phát triển năng lực học sinh. 

Trong năm học này, ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục theo hướng đồng bộ hóa, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, năng lực quản trị nhà trường, khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD&ĐT gắn với phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đồng thời, thực hiện các giải pháp nâng tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ và duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp theo hướng gắn lý thuyết với thực hành...