Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tuyên Quang: Ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu cho vùng khó

Thanh Phong - 16:51, 04/04/2025

Xác định công trình thiết yếu được đầu tư sẽ là động lực giúp người dân vùng khó khăn phát triển kinh tế, xã hội, nhiều năm qua tỉnh Tuyên Quang đã luôn tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu cho vùng khó. Qua đó, tạo động lực cho vùng khó phát triển, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.

Tỉnh Tuyên Quang ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu tạo động lực cho vùng khó phát triển (Ảnh: Báo Tuyên Quang)
Tỉnh Tuyên Quang ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu tạo động lực cho vùng khó phát triển. (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu 100% số thôn, bản có đường ô tô

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, trong giai đoạn 2021 - 2025, từ nguồn vốn được giao, tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng 600 công trình hạ tầng phục vụ cho sản xuất, trao đổi hàng hóa, sinh hoạt của Nhân dân, trong đó 80% đầu tư phát triển hạ tầng vùng khó.

Tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư 178 công trình đường giao thông, 27 công trình thủy lợi, 9 công trình trường, lớp học, 3 công trình điện nông thôn, 12 công trình nước sinh hoạt, 15 công trình cầu, 30 công trình phụ trợ, cải tạo, xây dựng mới 10 công trình chợ, 70 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng. Hỗ trợ vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất và chuyển đổi nghề cho 249 hộ, với tổng số vốn hơn 40 tỷ đồng…

Tỉnh cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch, làm cầu kết nối để làm động lực phát triển kinh tế vùng, phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều tuyến đường liên kết vùng khó đã được đầu tư. Điển hình như nâng cấp, sửa chữa đường ĐH18, ĐH07 qua địa bàn xã Minh Thanh (Sơn Dương); cải tạo nâng cấp đường Phúc Thịnh - Trung Hà - Bản Ba (Chiêm Hóa); cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ đầu cầu Nẻ đến trường THPT Na Hang (Na Hang); cải tạo, nâng cấp tuyến ĐT.188 đoạn Km48 + 00 - Km86 + 300, huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình; Dự án đường giao thông từ xã Tân Long - Tân Tiến - Trung Trực (Đỉnh Mười) - xã Kiến Thiết (Yên Sơn); cầu Bạch Xa (Hàm Yên)…

Cùng với nâng cấp, cải tạo các tuyến đường lớn, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh Tuyên Quang đã làm gần 1.000km đường giao thông nông thôn, nội đồng và 161 cầu trên đường giao thông nông thôn, bảo đảm 99,94% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm. Hoàn thành mục tiêu nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã; sẽ hoàn thành mục tiêu 100% số thôn, bản trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm trong năm 2025.

Cây cầu Nà Kham được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng giúp người dân giao thương thuận lợi.
Cây cầu Nà Kham được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng giúp người dân giao thương thuận lợi.

Từ khi có cầu Nà Kham người dân ở thôn Năng Khả đã không phải đi đường vòng cả chục km, có cầu đã giúp người đi lại, giao thương thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy cho phát triển kinh tế - xã hội.

Sắp tới đây, khi công trình quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên rộng 3ha với tổng mức đầu tư trên 11,7 tỷ đồng, 38 lô đất ở đang được tích cực thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2025, sẽ tạo điều kiện cho trên 30 hộ đồng bào Mông sinh sống, phát triển.

Động lực để vùng khó phát triển

Yên Sơn là huyện phía Nam của tỉnh Tuyên Quang, có diện tích tự nhiên trên 1.067,7km2, có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 51,89%. Toàn huyện có 27 xã và 01 thị trấn, 335 thôn, tổ dân phố (trong đó, có 7 xã, 33 thôn đặc biệt khó khăn). Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2024 là 10,86%, với 4.444 hộ.

Xác định công trình thiết yếu được đầu tư sẽ là động lực giúp người dân vùng khó khăn phát triển kinh tế, xã hội. Huyện Yên Sơn đã tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư của trung ương, tỉnh, huyện làm các công trình thiết yếu phục vụ nhân dân. Giai đoạn từ 2021 đến nay huyện có trên 300 công trình hạ tầng đầu tư tại các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS.

Thời gian qua, phong trào hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn tại xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn được đông đảo người dân hưởng ứng, góp phần quan trọng để địa phương hoàn thiện kết cấu hạ tầng, giao thông.

Ông Trần Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ, cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của những tuyến đường bê tông và cầu trên đường giao thông nông thôn trong đời sống và sản xuất, người dân xã Tiến Bộ đã đoàn kết, nhất trí sẵn sàng hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để thực hiện. Trong 2 năm qua, xã đã làm được gần 6.000m đường bê tông và xây dựng 04 cầu trên đường giao thông nông thôn. Trong đó, có gần 150 hộ dân dân hiến trên 24.000m2 đất, cùng hàng nghìn ngày công lao động để thực hiện.

Giao thông thuận tiện giúp người dân phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hoá (trong ảnh: Mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông ông Nguyễn Quang Minh, thôn Đức Uy, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn)
Giao thông thuận tiện giúp người dân phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hoá (trong ảnh: Mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông ông Nguyễn Quang Minh, thôn Đức Uy, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn)

Việc thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn không chỉ giúp bà con đi lại thuận lợi, dễ dàng, thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa. Từ đó, tạo tiền đề để xã tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới. Điều này cũng đòi hỏi xã cần chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước kết hợp với huy động đa dạng các nguồn lực, phù hợp với sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn.

Cây cầu Bum Kẹn bắc qua sông Phó Đáy ở xã Hùng Lợi có chiều dài 72m, chiều rộng mặt cầu 6,5m, được đầu tư kinh phí xây dựng gần 14,8 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 1 năm qua đã thay đổi hẳn cuộc sống của người dân trong vùng. Gần 190 hộ dân với 900 nhân khẩu đồng bào Mông, Dao, Nùng ở thôn Bum Kẹn và Khuổi Ma đã được hưởng lợi trực tiếp từ công trình; cây cầu cũng giúp kết nối xã ATK Hùng Lợi (Yên Sơn) với xã ATK Trung Yên (Sơn Dương), tạo thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng hàng nghìn ha của 2 xã, góp phần bảo đảm an sinh xã hội vùng đặc biệt khó khăn.

Xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa là địa phương thuần nông, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua xã được Nhà nước hỗ trợ gần 54 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, bê tông hơn 28km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng; xóa hơn 200 nhà tạm, nhà dột nát, hệ thống lưới điện thắp sáng khắp các bản làng, hoàn thành xây dựng công trình Trường Tiểu học, Trường PTDT Bán trú THCS Kiên Đài… Theo Chủ tịch UBND xã Ma Văn Tôn: Hạ tầng được đầu tư đã giúp người dân vận chuyển hàng hóa thuận lợi, là động lực để người dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có thể khẳng định với nhiều nỗ lực của các cấp, ngành chức năng từ tỉnh, huyện đến xã, đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở địa bàn miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã có những đổi thay tích cực./.


Tin cùng chuyên mục
Rà soát một số nội dung điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Rà soát một số nội dung điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Sáng 3/4, tại Hà Nội, Bộ Dân tộc và Tôn giáo tổ chức họp rà soát một số nội dung liên quan đến điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước, đại diện các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các dự án của Chương trình.