Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Tỷ lệ che phủ rừng vùng Trung du miền núi phía Bắc đạt 52,6%

Trọng Bảo - 15:12, 03/12/2021

Sáng 3/12, tại TP. Lai Châu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và trực tuyến tới 12 điểm cầu các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.

Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ phát biểu tham luận tại Hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ phát biểu tham luận tại Hội nghị

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc gồm 17 tỉnh, có tổng diện tích rừng 5,7 triệu ha, chiếm 39,6% tổng diện tích rừng toàn quốc. Trong đó, rừng tự nhiên khoảng gần 4 triệu ha, diện tích rừng trồng là 1, 8 triệu ha. Các loài cây trồng chủ yếu là keo, bạch đàn, thông, mỡ, quế... Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng vùng Trung du miền núi phía Bắc khoảng 52,6%. Đến nay, nhiều loại dược liệu quý hiếm được nhân dân bảo tồn và phát triển như dưới tán rừng, như: Sâm Lai Châu, cây Bảy lá một hoa, Lan Kim Tuyến, Tam thất, Đương quy, Thảo quả, Hà thủ ô. Người dân tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng đã từng bước có nguồn thu nhập ổn định…

Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc là ngành hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm. Năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 7,9 triệu m3 gỗ, ước đạt khoảng 9.480 tỷ đồng/năm; các tỉnh có 747 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản; tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011 - 2020 hơn 7.750 tỷ đồng, riêng năm 2020 thu 1.239 tỷ đồng…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với một số địa điểm đặc trưng thu hút du khách như: Vườn quốc gia Hoàng Liên có đỉnh Fansipan; Vườn quốc gia Bái Tử Long - Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La, Tà Xùa, Sốp Cộp và Xuân Nha, tỉnh Sơn La... Qua đó, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến tham quan; ước tính tổng chi tiêu của du khách khoảng 620 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thu ngân sách của các tỉnh.

Giai đoạn 2021 - 2030, phát triển rừng tại khu vực này sẽ tập chung hướng phát triển ngành lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; phát triển, sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, địa phương; nâng cao giá trị các sản phẩm của rừng theo chuỗi.

Về quy hoạch, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tiểu vùng; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho từng tỉnh. Về cơ chế, chính sách sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với từng loại rừng để phát huy giá trị loại rừng đó; hoàn thiện một số chính sách có liên quan đến phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Về khoa học công nghệ, nghiên cứu, lựa chọn, cung cấp giống cây rừng trồng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu... có năng suất, chất lượng để đưa vào sản xuất…

Quang cảnh Hội nghị tại TP. Lai Châu
Quang cảnh Hội nghị tại TP. Lai Châu

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ những vấn đề về thể chế và có chương trình, đề án riêng về phát triển dưới tán rừng cho vùng Trung du miền núi phía Bắc, không để đồng bào phát triển một cách tự phát. Cùng với đó, kích hoạt tất cả các giá trị, biến nông nghiệp không phải là sản lượng sản xuất nữa, mà là kinh tế, dựa trên 3 trụ cột tài nguyên địa phương, tinh hoa dân tộc và tinh hoa sáng tạo.

Mặt khác, các địa phương trong quá trình phát triển bền vững dưới tán rừng cần khai thác có kiểm soát, có chương trình, không làm mất đi giá trị hiện hữu của rừng; tạo thêm nguồn lực kinh tế dưới tán rừng thành một chuỗi ngành hàng, tích hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch miền núi nhằm cải thiện thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong khu vực…

Tin cùng chuyên mục