Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tỷ phú thanh long Sằn A Lộc

PV - 08:47, 12/06/2018

Sằn A Lộc dân tộc Nùng là một nông dân nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu từ đồng đất khô hạn ở thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận).

Hiện anh là chủ trang trại trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ có diện tích lớn nhất huyện. Nguồn hoa lợi từ cây thanh long ruột đỏ cho gia đình anh thu nhập bình quân trên 2 tỷ đồng/năm.

Gian nan khởi nghiệp

Chúng tôi đến thăm trang trại thanh long của anh Sằn A Lộc khi anh đang hướng dẫn việc làm cho các lao động. Trên cánh đồng thanh long rộng khoảng 3ha, anh lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, những hàng trụ thanh long trồng thẳng tắp, cành chen cành, trái chín đỏ tươi.

Anh Sằn A Lộc chăm sóc cây thanh long ruột đỏ. Anh Sằn A Lộc chăm sóc cây thanh long ruột đỏ.

 

Sau khi phân công cho lao động ai vào việc nấy, Sằn A Lộc dành thời gian trò chuyện với chúng tôi. Anh chia sẻ: “Hồi còn trai trẻ, tôi tham gia bộ đội được học tập rèn luyện trong môi trường quân đội. Phát huy phẩm chất truyền thống bộ đội Cụ Hồ, tôi luôn nỗ lực phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng trang trại thanh long ruột đỏ có thu nhập cao ổn định như ngày nay”.

Nhắc lại những năm đầu từ thôn Phú Thạnh vào khai hoang lập nghiệp trên đất rừng Nha Húi, chủ trang trại thanh long Sằn A Lộc không khỏi xúc động. Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương vào cuối năm 1978, anh đi làm thuê cho bà con thôn xóm rồi lập gia đình với chị Chiến A Cháu. Hai bên cha mẹ đều nghèo, vợ chồng chỉ có một tấm ván ép cũ kê làm giường ngủ ven con suối Sa-ra. Nhiều buổi sáng giở tấm ván ép lên, anh “hoảng hồn” thấy 3-4 con rắn lục nưa đuôi đỏ nằm cuộn tròn trên nền đất. Vợ chồng anh bị bệnh sốt rét hành hạ đến trọc đầu, tưởng đã bỏ mạng với muỗi rừng Nha Húi.

Vượt qua khó khăn, hôm sớm làm ăn lấy ngắn nuôi dài, anh lần hồi khai hoang 16 ha đất. Vợ chồng anh kiên trì bám đất quyết tâm vươn lên làm giàu, đầu tư đào ao dự trữ nguồn nước, lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm, trồng cây thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao.

Duyên nợ thanh long

Để có được cánh đồng thanh long ruột đỏ đẹp như bức tranh quê hiện nay, đầu năm 2011, anh khăn gói lặn lội vào tỉnh Tiền Giang tới Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam tìm hiểu về cây thanh long. Anh đem theo mẫu đất lấy từ Nha Húi nhờ các nhà khoa học phân tích thổ nhưỡng xem có trồng được cây thanh long ruột đỏ hay không. Anh rất mừng khi nhận được kết quả hồi đáp của Viện là đất đai và khí hậu Nha Húi rất thích hợp, cây thanh long phát triển cho năng suất, chất lượng cao.

Sau ba lần vào Tiền Giang học nghề trồng thanh long, anh trở về gom góp vốn liếng trên 1 tỷ đồng đầu tư trồng 3ha thanh long ruột đỏ. Đầu tháng 7/2011, Sằn A Lộc thuê xe tải chở 12.000 hom giống thanh long ruột đỏ do Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam lai tạo đưa về trồng trên đồng đất Nha Húi. Mỗi trụ được anh trồng 4 gốc thanh long, lắp đặt hệ thống chủ động bơm tưới “phun mưa” tiết kiệm nước.

Gần bảy năm bén rễ tỏa cành xanh mướt trên đồng đất Nha Húi, vườn thanh long của Sằn A Lộc cho thu hoạch 6 vụ/năm. Cây thanh long ruột đỏ chăm sóc chu đáo sau 24 tháng bắt đầu cho thu hoạch, từ lúc ra bông đến trái chín khoảng 50-55 ngày. Thanh long ruột đỏ canh tác theo mô hình sinh học hữu cơ, trái chín cân nặng 400-500 gram, ruột đỏ thẫm, hương vị thơm ngon. Với 3.000 trụ thanh long của gia đình anh đạt sản lượng 30 tấn/vụ. Với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, doanh thu 600 triệu đồng, anh còn lãi ròng 300 triệu đồng/vụ.

Ông Nguyễn Canh, Phó Trưởng ban Quản lý thôn Nha Húi ghi nhận anh Sằn A Lộc là nông dân mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao. Bà con trong thôn có nhiều hộ học tập mô hình trồng thanh long của anh Lộc đã mở rộng diện tích lên 8,7ha. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Sằn A Lộc còn là điển hình tiêu biểu trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và chủ động đào ao chống hạn ổn định sản xuất được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tặng nhiều Bằng khen.

SƠN NGỌC

Tin cùng chuyên mục
Món gà tốp 50 món ăn đặc sản của Việt Nam nguy cơ thiếu nguồn cung trong dịp Tết Nguyên đán

Món gà tốp 50 món ăn đặc sản của Việt Nam nguy cơ thiếu nguồn cung trong dịp Tết Nguyên đán

Cơn bão số 3 (Yagi) qua đi đã khiến khoảng 45.000 gia súc, gia cầm tại huyện vùng cao Tiên Yên (Quảng Ninh) bị lũ cuốn trôi, trong đó phần lớn là gà đang ở thời điểm chuẩn bị xuất chuồng. Điều này dẫn tới nguy cơ lớn sẽ thiếu nguồn cung gà vào dịp Tết Nguyên đán 2025 khi người dân không đủ thời gian để tái đàn.