Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Ứng cử viên ĐBQH Chẩu Văn Lâm: Nỗ lực hành động rút ngắn khoảng cách phát triển vùng miền

Hồng Phúc - 19:12, 19/05/2021

Cùng với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XV, những ngày này, ứng cử viên Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử số 1 tại tỉnh.

Ứng cử viên ĐBQH khóa XV Chẩu Văn Lâm
Ứng cử viên ĐBQH khóa XV Chẩu Văn Lâm

Ông Chẩu Văn Lâm sinh ngày: 16/4/1967; Ngày vào Đảng: 23/1/1995

Quê quán: Xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang; Dân tộc: Tày

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa XII, XIII; Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, Đại biếu Quốc hội khóa XIV.

Chia sẻ về Chương trình hành động của mình, ứng cử viên Chẩu Văn Lâm cho biết, vùng DTTS đã, đang và tiếp tục là “lõi nghèo" của cả nước, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Trong đó, câu chuyện nông sản rẻ được mùa rớt giá là bài toán nan giải lâu nay, đặc biệt càng khó khăn hơn với vùng đồng bào DTTS, vốn khó tìm đầu ra cho sản phẩm hơn các địa phương khác. 

“Đó là điều những người làm chính sách như chúng tôi luôn trăn trở”, ông Lâm chia sẻ.

Theo ông Lâm, để khắc phục tình trạng này trong sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào DTTS, cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chính sách gắn kết nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị

Đồng thời cũng cần đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ đất đai, cho doanh nghiệp thuê đất để sản xuất quy mô lớn; hoàn thiện chính sách trồng, bảo vệ và phát triển rừng để người dân sống được bằng nghề rừng. Ông Lâm cho rằng, thực trạng đời sống của đồng bào, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện chính sách tốt hơn để người dân ổn định cuộc sống.

“Nếu được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa XV, tôi nguyện sẽ tận tâm, tận lực phát huy kinh nghiệm tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV để làm tốt hơn nhiệm vụ của người đại biểu Nhân dân. Chương trình hành động của các ứng cử viên xác định, được bầu làm đại biểu vừa là vinh dự, vừa là trọng trách lớn, tôi sẽ tích cực tham gia các hoạt động của Quốc hội, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Trên cương vị này, tôi sẽ nỗ lực hết mình để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho Nhân dân”, ông Chẩu Văn Lâm cam kết.

Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm với cử tri xã Lăng Can, Lâm Bình.
Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm với cử tri xã Lăng Can, Lâm Bình.

Ông Lâm cho biết, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa giáo dục và đào tạo, hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; xây dựng cơ chế, chính sách nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, ứng cử viên ĐBQH khóa XV Chẩu Văn Lâm cũng bày tỏ mong muốn, có sự tham gia của người dân nhiều hơn, đặc biệt là của đồng bào DTTS vào trong hoạt động quản lý nhà nước, trong hoạt động về xây dựng chính quyền Nhà nước, tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội, các cơ cấu của Hội đồng Nhân dân để thể hiện được tiếng nói, thể hiện được quyền bình đẳng của mình một cách đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hóa.

Ứng cử viên Chẩu Văn Lâm cam kết, nếu được cử tri tín nhiệm, trúng cử ĐBQH khóa XV, cùng với việc thực hiện tốt vai trò của người đại biểu của Nhân dân trước Quốc hội, ông cũng sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tại địa phương; tập trung thực hiện thắng lợi các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu xuyên suốt đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.