Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Ứng cử viên ĐBQH khóa XV Leo Thị Lịch: “Quan tâm đến những chính sách sát với thực tiễn vùng đồng bào DTTS và miền núi”

Văn Hoa - 10:31, 17/05/2021

“Từ thực tế cuộc sống của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi còn nhiều khó khăn, nếu tái cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ giúp tôi tiếp tục đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường Quốc hội, đặc biệt quan tâm đến chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn". Đó là chia sẻ của ứng cử viên ĐBQH khóa XV Leo Thị Lịch khi nói về Chương trình hành động của mình.


Bà Leo Thị Lịch phát biểu tại nghị trường Quốc hội
Bà Leo Thị Lịch phát biểu tại nghị trường Quốc hội

Dấu ấn đã qua...

Ứng cử viên Leo Thị Lịch, sinh năm 1969, dân tộc Sán Dìu. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý kinh tế nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp III Bắc Thái; Thạc sĩ kinh tế nông nghiệp; Cao cấp lý luận chính trị.

Từng công tác trong Hội nông dân, là đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) nên bà Leo Thị Lịch có cơ hội tham gia vào dự án phát triển kinh tế tỉnh Bắc Giang. Bà từng đi bộ xuống từng thôn, xóm để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phát triển sản xuất cho bà con...

Đặc biệt, với 2 nhiệm kỳ Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, bà Lịch đã có nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần để Bắc Giang trở thành 1 trong những tỉnh có thương hiệu nông sản được đón nhận trong nước và quốc tế.

Năm 2016, khi được bầu làm ĐBQH khóa XIV với nhiệm vụ chuyên trách là Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bà Leo Thị Lịch đã có nhiều đóng góp thiết thực, có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Bà cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Hội đồng Dân tộc Quốc hội thẩm tra, đóng góp ý kiến vào 60 dự án luật/72 luật; 2 pháp lệnh; 29 Nghị quyết quan trọng được Quốc hội thông qua.

Ứng cử viên ĐBQH khóa XV Leo Thị Lịch với các hoạt động vì cộng đồng
Ứng cử viên ĐBQH khóa XV Leo Thị Lịch với các hoạt động vì cộng đồng

Bà Leo Thị Lịch đã cùng với các thành viên Hội đồng Dân tộc thẩm tra và đóng góp nhiều ý kiến tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều chính sách. Trong đó, có một Nghị quyết mang dấu ấn lịch sử dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Đó là Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”; Nghị quyết 120/2020/QH14 về phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Với chức năng giám sát tối cao, bà Lịch đã tích cực nghiên cứu tham gia thẩm tra các báo cáo của các cơ quan hành pháp và tư pháp qua các kỳ họp; chất vấn trực tiếp và bằng văn bản đối với Chính phủ và các bộ ngành có liên quan; tham gia và góp ý kiến giám sát tối cao 7 chuyên đề; đặc biệt là việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; đáp ứng được sự mong đợi của Nhân dân và cử tri cả nước.

Sẽ kiến nghị những chính sách sát với thực tiễn cuộc sống đồng bào

Nói về chương trình hành động của mình, bà Leo Thị Lịch cam kết sẽ thay mặt Nhân dân bày tỏ các kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ; sẵn sàng chất vấn người đứng đầu Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về các vấn đề bức xúc chính đáng mà cử tri gửi đến chưa được giải quyết; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cử tri và Nhân dân..

Ứng cử viên Leo Thị Lịch nhấn mạnh, đối với tỉnh Bắc Giang hiện nay, tỷ lệ hộ DTTS chiếm 14,26% với 36 dân tộc anh em cùng sinh sống, tập trung ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên thế. Đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, hạn chế như: chất lượng sống chưa được cải thiện; tiếp cận các dịch vụ xã hội thấp; điều kiện sống về vị trí địa lý, giao thông đi lại khó khăn; thiếu đất sản xuất, đất ở; thiếu nước sạch sinh hoạt; vẫn còn tình trạng tảo hôn...

Bà Leo Thị Lịch (quàng khăn) trong một hoạt động nhân đạo từ thiện
Bà Leo Thị Lịch (quàng khăn) trong một hoạt động nhân đạo từ thiện

Việc ứng cử tại Tổ bầu cử số 1, tỉnh Bắc Giang (bao gồm 3 huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động - nơi tập trung đông nhất các DTTS sinh sống và là vùng khó khăn nhất tỉnh) đã thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng của bản thân ứng cử viên Leo Thị Lịch; giúp cho bà có những kiến nghị chính sách sát với thực tế cuộc sống của đồng bào với Quốc hội.

Bà Leo Thị Lịch cho biết,  bà sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ một số kế sách ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cân đối ngân sách hợp lý; thực hiện hiệu quả Nghị quyết 88/2019/QH14; Nghị quyết 120/2020/QH14..., góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng kinh tế phát triển.

“Nếu được tái cử ĐBQH khóa XV, từ kinh nghiệm thực tiễn đã được trau dồi, tích lũy qua quá trình công tác, sẽ giúp tôi tham gia ý kiến vào công tác xây dựng các dự án Luật sát với thực tiễn. Đồng thời, bổ sung, điều chỉnh thực hiện các chính sách chưa hợp lý ở cơ sở; tiếp tục tham gia thực hiện, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”, ứng cử viên Leo Thị Lịch chia sẻ. 

Trong suốt 29 năm công tác, bà Leo Thị Lịch luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong thực hiện nhiệm vụ: Năm 2013, bà nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 5 năm liền nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (2013, 2015, 2016, 2017, 2018); Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT (2020, 2021); Bằng khen Tổng Liên đoàn Viên chức Việt Nam năm 2011; Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015); Bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017); Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc giang; Bằng khen của Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang; 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (2012, 2015).... 


Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.