Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Ứng dụng CNTT để phát triển vùng DTTS, miền núi: Xu thế tất yếu

PV - 08:29, 27/04/2019

Xu hướng phát triển công nghệ thông tin (CNTT) thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của Việt Nam. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản trong việc tiếp cận và ứng dụng CNTT. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025”, là một trong những đòn bẩy rất quan trọng đối với sự phát triển vùng DTTS, miền núi.

Đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang sử dụng ti vi như phương tiện thiết yếu trong nhiều gia đình. Đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang sử dụng ti vi như phương tiện thiết yếu trong nhiều gia đình.

Lưu Thị Hòa, cô gái trẻ dân tộc Cờ Lao, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang tốt nghiệp đại học nhưng không chọn việc làm tại cơ quan Nhà nước mà quyết định khởi nghiệp từ nông nghiệp ở bản làng. Hòa chia sẻ, nhờ ứng dụng CNTT mà việc bán hàng của em khá thuận lợi. Qua internet, Hòa có thể kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Hiện nay, các mặt hàng nông sản sạch của Hòa có mặt ở nhiều vùng, miền khác nhau trên đất nước. “Có dịp đi nhiều nơi, tôi nhận thấy việc ứng dụng CNTT ở vùng DTTS, miền núi như quê tôi còn khá tụt hậu so với các thành phố lớn. Người dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi nếu không được tiếp cận với CNTT hiện đại”, Hòa bộc bạch.

Có thể khẳng định, CNTT đã và đang là phương tiện hữu ích đối với việc phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng này chưa đáp ứng được yêu cầu, xu thế thời đại.

Số liệu thống kê của Ủy ban Dân tộc cho thấy, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có đài/radio/cát sét nhìn chung còn rất thấp. Đây là loại phương tiện thu phát sóng truyền thông có chi phí thấp và dễ tiếp cận nhất đối với đồng bào DTTS. Các dân tôc: Khơ Mú, Mảng, Si La, Lự, La Hủ, Xinh Mun, với chỉ dưới 2% số hộ sở hữu phương tiện tiếp cận thông tin này. Đáng chú ý là dân tộc Ơ Đu không có hộ nào sở hữu đài, rađiô hay cát sét. Các dân tộc Khơ-mú, Mông, Chứt, Lô Lô, Mảng, La Hủ... có tỷ lệ hộ sử dụng ti vi thấp hơn 60%. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS liên lạc bằng điện thoại chưa nhiều. Ví dụ: dân tộc Xơ-đăng, Khơ-mú, Mảng, La Hủ, Chứt, Rơ Măm, Brâu… chỉ có dưới 40% số hộ có điện thoại.

Việc tiếp cận máy vi tính và internet đối với đồng bào DTTS còn rất hạn chế. Ví dụ, tỷ lệ dân tộc Hoa có máy tính là 46,7%, có kết nối internet là 47,2%; tương ứng ở dân tộc Ngái là 27,4% và 17,1%. 51 dân tộc còn lại chỉ còn dưới 17% hộ đồng bào DTTS sở hữu máy tính và dưới 10% tiếp cận được với internet. Các dân tộc Si La, Chứt, La Hủ, Xinh Mun chỉ có dưới 1% số hộ có máy vi tính. Các dân tộc La Hủ, Kháng, Khơ-mú, Xinh Mun, Rơ Măm không được kết nối internet, đặc biệt dân tộc Brâu không có hộ nào sử dụng máy tính…

Theo báo cáo ITC Index 2017 đánh giá các chỉ số: hạ tầng kỹ thuật CNTT, hạ tầng nhân lực CNTT, ứng dụng CNTT, mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT… Trong khi Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có chỉ số ITC index cao từ gần 70% đến trên 90% thì nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số thấp nhất (từ 10% đến dưới 25% ) bao gồm: Lai Châu, Trà Vinh, Bắc Kạn, Kon Tum, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Cao Bằng, và Yên Bái. Đây là các tỉnh miền núi tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống. Số liệu cho thấy, khu vực vùng DTTS, miền núi cần thiết phải tăng cường nguồn lực CNTT cả về nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng để có thể bắt kịp với xu thế.

Nhận thấy sự cấp thiết phải hỗ trợ đồng bào DTTS tăng cường ứng dụng CNTT, Ủy ban Dân tộc chủ trì, tham mưu cho Chính phủ Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025”. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án này.

Đề án với mục tiêu đến năm 2023 thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từng bước kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho đồng bào DTTS. Tổ chức mô hình đào tạo từ xa dạy tiếng dân tộc, kiến thức về công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, biên giới, hải đảo. Dạy nghề cho thanh niên các DTTS. Đảm bảo 80% các lễ hội, phong tục tập quán của các DTTS Việt Nam được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện (Multi-media). Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc, bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin…

Với sự ý nghĩa thiết thực này, hy vọng, vùng DTTS và miền núi sẽ có nhiều triển vọng hơn nữa trong việc tiếp cận với CNTT, góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Lào Cai là tỉnh vùng cao với trên 60% dân số là đồng bào DTTS; thời gian qua nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước, đặc biệt là các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.