Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Ứng phó xói lở sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam): Hạn chế trong ứng dụng công nghệ quản lý xói lở (Bài 2)

PV - 16:30, 30/11/2021

Một số giải pháp công nghệ triển khai trong các đề tài nghiên cứu bước đầu chứng minh sự hiệu quả trong việc giám sát sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, từ nghiên cứu đến ứng dụng rộng rãi là câu chuyện khác.

Hệ thống cồn bãi trên sông Thu Bồn cũng chịu tác động mạnh của diễn biến xói lở
Hệ thống cồn bãi trên sông Thu Bồn cũng chịu tác động mạnh của diễn biến xói lở

Tại Hội thảo báo cáo kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phòng chống xói lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn” vừa diễn ra, các chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ trong quá trình thực hiện đề tài.

Việc sử dụng các phương pháp mô phỏng bao gồm: Phương pháp viễn thám và GIS, phương pháp BEHI (Bank Erosion Hazard Index), phương pháp mô hình tính toán và phương pháp tổng hợp đánh giá.

TS. Hoàng Thanh Sơn - Viện Địa lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay: “Với các giải pháp công nghệ, từ việc phân tích 7 đặc tính về chiều cao bờ, độ sâu rễ/chiều cao bờ, mật độ rễ, diện tích bề mặt được bảo vệ, độ dốc bờ, vật liệu bờ và kiểu phân tầng, chúng tôi đã xây dựng bản đồ chỉ số nguy cơ xói lở bờ sông bao gồm 5 mức là thấp, trung bình, cao, rất cao, cực cao”.

Theo kết quả diễn biến đường bờ sông qua phân tích ảnh viễn thám (đường bờ sông được giải đoán trong môi trường GEE theo các ảnh vệ tinh chuỗi thời gian từ 1988 - 2020), biến động đường bờ sông Vu Gia - Thu Bồn rất lớn.

Tại các khúc sông cong đều nhận thấy có sự biến động rất mạnh, điển hình nhất là khúc cong trên sông Vu Gia đoạn cửa sông Quảng Huế và khu vực sông Thu Bồn vào vùng Cửa Đại.

Ở bờ trái sông Vu Gia - Thu Bồn, mức độ biến động đường bờ cực đại trong suốt thời kỳ (SCE) rất cao, từ 0 - 460m. Ở bờ phải, con số này dao động ở mức 0 - 375m. Ở các bãi giữa, đoạn biến động mạnh nhất cũng lên đến 175m.

Một thông số đáng lo ngại nữa được nhóm nghiên cứu chỉ ra, là bờ trái sông Vu Gia - Thu Bồn có mức bồi cao nhất dưới +33m/năm nhưng xói có thể lên đến -196m/năm. Các đoạn bờ xói chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với mức bờ bồi hoặc ít biến động.

Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay việc ứng dụng công nghệ quản lý xói lở bờ sông trên địa bàn tỉnh chưa phát triển. Cũng có nhiều nghiên cứu, giải pháp quản lý xói lở khá chất lượng nhưng thực chất ứng dụng vào thực tế rất khó. Bởi công nghệ phải đi với hạ tầng, các đơn vị nghiên cứu có hạ tầng công nghệ tốt để theo dõi, còn nguồn lực hạ tầng của địa phương thì không tương ứng để áp dụng.

“Nếu như các giải pháp công nghệ trên thực sự phù hợp, phản ánh đúng diễn biến theo thời gian thực thì cơ quan chức năng có thể nghiên cứu đặt hàng thuê dịch vụ, qua đó được cảnh báo trước sạt lở, giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, có thể nắm được một số vị trí nguy cơ cao sạt lở trong tương lai để hỗ trợ tốt cho công tác quy hoạch”, ông Tý nói.

Tin cùng chuyên mục