Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đắk Lắk cảnh báo nguy cơ sạt lở trên các sông, suối

PV - 16:01, 30/11/2021

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, do ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường mạnh xuống phía Nam kết hợp rãnh áp thấp ở phía Nam và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên từ ngày 27 - 30/11, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có mưa vừa đến mưa to.

Vị trí sụt lún nghiêm trọng tại Km53+400, Quốc lộ 26, đoạn qua đèo M’Đrắk, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk lắk. Ảnh (tư liệu): Tuấn Anh/TTXVN
Vị trí sụt lún nghiêm trọng tại Km53+400, Quốc lộ 26, đoạn qua đèo M’Đrắk, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk lắk. Ảnh (tư liệu): Tuấn Anh/TTXVN

Lượng mưa đo được có nơi lên đến hơn 250 mm như: Trạm Ea Pil (huyện M’Đrắk) 253,8 mm. Mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại về người, sản xuất, hạ tầng tại các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Krông Bông, Ea H’leo, Krông Năng.

Trên địa bàn tỉnh đã có 2 người chết và mất tích do ảnh hưởng của mưa lũ. Cụ thể, khoảng 7 giờ ngày 28/11, chị Sùng Thị Cúng (sinh năm 1983), trú tại Thôn 9 (xã Cư Króa) khi đi làm rẫy (dọc theo bờ suối) đã trượt chân, rơi xuống suối và mất tích. Công an tỉnh đã cử 10 cán bộ, chiến sỹ cùng 1 xe cứu hộ, cứu nạn để tìm kiếm nạn nhân. Vào trưa 29/11, bà Lý Thị Pao (sinh năm 1960) trú ở Thôn 10 (xã Cư San) trên đường đi làm về đã bị trượt chân, rơi xuống suối. Đến chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân và bàn giao cho gia đình an táng.

Mưa lũ cũng làm nhiều tuyến đường, cầu cống trên địa bàn các huyện Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk bị ngập, gây chia cắt giao thông cục bộ. Nghiêm trọng nhất là tình trạng sạt lở khu vực chân cầu Thống Nhất (đoạn qua thôn 2A, xã Ea Ô, bắc qua sông Krông Pắc) nằm trên tuyến đường huyện ĐH07.1 từ Ea Ô - Cư Bông - Cư Yang. Phần mố M2 bị sạt lở khoảng 12 m (nước luồn phía dưới cuốn trôi hoàn toàn phần đất nền, chỉ còn phần bê tông mặt đường, có nguy cơ bị sập đổ), chiều sâu hố xói khoảng 6-7 m, gây chia cắt giao thông. Sự cố trên đã khiến các phương tiện qua lại phải đi đường tránh, xa hơn khoảng 25 km.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đã tổ chức đoàn kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, không cho người và các phương tiện lưu thông qua lại. Hiện nay, mực nước sông Krông Pắc đang lên, tình hình sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến cầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Các địa phương đã tổ chức trực, hướng dẫn giao thông tại các điểm bị ngập.

Ngoài ra, nhiều ao cá, diện tích hoa màu của người dân bị ngập úng gây thiệt hại cho nhân dân.

Dự báo, trên địa bàn Đắk Lắk tiếp tục có mưa vừa đến mưa to. Các huyện Krông Bông, M’Đrắk, Ea Kar, Krông Năng, Ea H’leo có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối vừa và nhỏ, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp.

Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; tổ chức trực ban suốt 24 giờ trong ngày; cập nhật báo cáo tình hình diễn biến thời tiết, thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định.

Các địa phương có khả năng bị ảnh hưởng lớn như Ea Kar, M’Đrắk phải cử lực lượng, chủ động triển khai phương án phòng chống mưa, lũ, sẵn sàng sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở (khi cần thiết).

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.