Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đồng bằng Sông Cửu Long: Sạt lở diễn biến nghiêm trọng

MINH TRIẾT - 18:50, 27/09/2019

Trong những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến phức tạp, xu hướng ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Gần đây, các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau là những địa phương lần đầu tiên phải công bố tình huống khẩn cấp đối với tình trạng sạt lở trên.

Hiện trường sạt lở bờ biển Tây Cà Mau.
Hiện trường sạt lở bờ biển Tây Cà Mau.

Nhiều địa phương công bố tình huống khẩn cấp

Ngày 24/9, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin, lãnh đạo tỉnh vừa ký 4 quyết định công bố tình trạng khẩn cấp đối với tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn tỉnh.

Theo các quyết định công bố này, Sóc Trăng hiện đang có hàng loạt vị trí sạt lở nguy hiểm nằm trên địa bàn các huyện gồm Mỹ Xuyên, Long Phú, Cù Lao Dung, Kế Sách và TP. Sóc Trăng. Trong các khu vực được công bố, đoạn bờ sông Rạch Vọp (xã Thới An Hội, huyện Kế Sách) và đoạn sạt lở bờ sông Hậu, sông Saintard, rạch Mọp (đi qua thị trấn Đại Ngãi, xã Long Đức và xã Song Phụng, huyện Long Phú) là khu vực đặc biệt nguy hiểm.

Ngoài sạt lở bờ sông, nhiều đoạn bờ biển ở Sóc Trăng cũng đã và đang có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão. Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo Ban Quản lý dự án tỉnh phối hợp với các sở, ngành khẩn trương đề xuất phương án, giải pháp xử lý khẩn cấp. Chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để hỗ trợ người dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Tương tự, ngày 20/9, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải ký Quyết định về tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 25km cửa biển, bờ biển và hơn 1,2km bờ sông sạt lở cần khẩn cấp xử lý, các vị trí sạt lở tập trung ở các xã: Đất Mũi, Viên An, Viên An Đông, Tam Giang Tây, thị trấn Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển; xã Nguyễn Huân thuộc huyện Đầm Dơi; xã Tam Giang Đông, thị trấn Năm Căn thuộc huyện Năm Căn.

Những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư, các khu hành chính, công trình giáo dục, y tế, QL1 và vành đai rừng phòng hộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là vào mùa mưa bão.

Mới đây, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ký quyết định công bố tình trạng khẩn cấp trong sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh này có gần 7.000m bị sạt lở cần khẩn cấp xử lý 4 khu vực bờ sông, bờ biển. 
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu, UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và TP. Bến Tre khẩn trương vận động Nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở, bố trí lực lượng trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực này.

Gặp khó về kinh phí phòng chống

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tháng 8/2018, tỉnh Hậu Giang đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án khắc phục sạt lở, di dời dân khu vực sông Cái Côn (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành). Tuy nhiên, kinh phí này chưa được duyệt.

Vì vậy, mới đây, tỉnh Hậu Giang tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư xem xét tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách hằng năm của Trung ương để khắc phục sạt lở, bảo vệ, di dời dân (khoảng 150 hộ) khu vực sông Cái Côn, với số tiền 200 tỷ đồng để triển khai dự án. Phần vốn còn lại, tỉnh Hậu Giang sẽ cân đối từ nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hoàn thành dự án.

Ông Tuyên thông tin thêm: Tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong những năm qua rất phức tạp, đặc biệt tại huyện Châu Thành thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với mức độ thiệt hại qua các năm ngày càng tăng cao, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân tại các khu dân cư sinh sống tập trung dọc theo các bờ kênh. Riêng sông Cái Côn có 2 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, 5 điểm nguy cơ sạt lở cao ảnh hưởng khu vực khu dân cư ven sông, trong đó khu vực xung yếu và điểm xung yếu sạt lở có chiều dài 500m”.

UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa xin Trung ương xem xét, hỗ trợ hơn 947 tỷ đồng để thực hiện xử lý gấp 8 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Các điểm sạt lở trên phần lớn nằm ở cửa biển ở huyện Ngọc Hiển; huyện Đầm Dơi và huyện Năm Căn. Hiện 8 điểm trên đang sạt lở với tốc độ rất nhanh (bình quân mỗi tháng lấn sâu vào bên trong khoảng 20m, thậm chí có những điểm trên 50m/tháng), tổng chiều dài hơn 26,7km và cần được đầu tư các công trình khẩn cấp nhưng địa phương đang khó khăn về nguồn vốn.

Liên quan đến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra khá phức tạp ở ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái cho biết, nguyên nhân chính của sạt lở ĐBSCL là sự thiếu hụt bùn và cát, đằng sau đó là do các đập thủy điện chắn sự vận chuyển bùn cát và do khai thác cát.

Về phương pháp tiếp cận ứng phó, ông Thiện cho rằng, trước khi sạt lở thì nên xem là tình trạng khẩn cấp để bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng người dân. Còn khi đã sạt lở thì không còn khẩn cấp nữa. Lúc này là lúc phải cân nhắc hết các phương án để so sánh và chọn giải pháp hiệu quả. Về lâu dài, cần phải cân nhắc giữa lợi ích của việc tiếp tục khai thác cát và chi phí của những vụ sạt lở sẽ còn tiếp diễn nhiều trong tương lai…

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.